Lịch sử hình thành
Huyện Ứng Hòa nguyên là phủ Ứng Thiên đời nhà Lê thuộc trấn Sơn Nam.
Năm Gia Long thứ 13 (năm 1814) phủ Ứng Thiên đổi tên là phủ Ứng Hòa.
Năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Ứng Hòa là một trong bốn phủ của tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa gồm các huyện Sơn Minh sau đổi thành Sơn Lãng, Chương Đức (sau đổi thành Chương Mỹ), Thanh Oai và Hoài An.
Năm 1888, khi tỉnh Hà Đông được thành lập, phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông.
Năm 1891, thành lập phủ Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông, bao gồm huyện Yên Đức, Chương Mỹ và Sơn Lãng.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa, huyện Yên Đức đổi tên là huyện Mỹ Đức.
Ngày 21 tháng 4 năm 1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông.
Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây gồm thị trấn Vân Đình và 29 xã là Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hoa Sơn, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tân Phương, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 5 thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa 8 thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 23 tháng 9 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 107/2003/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Tân Phương và một phần diện tích và dân số các xã Liên Bạt, Phương Tú, Vạn Thái vào thị trấn Vân Đình.
Sau khi điều chỉnh, huyện Ứng Hòa gồm 29 đơn vị hành chính gồm thị trấn Vân Đình và 28 xã: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 ngày 29 tháng 5 năm 2008. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc Hà Nội.
1. Giới thiệu về huyện Ứng Hòa
Huyện Ứng Hòa nằm ở phía Nam của thủ đô Hà Nội. Ngay từ xa xưa, khi cư dân mới quần tụ về đây đã biết đoàn kết nương tựa vào nhau cùng khai phá mảnh đất hoang dã, tạo dựng quê hương, làng xã. Trải qua chiến tranh, sự huỷ hoại của thời gian, nhiều làng vẫn còn những công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc như: đền, chùa, quán... Đó là những kiến trúc mà nhân dân xây dựng từ lâu đời, có công trình tồn tại đã mấy trăm năm.
2. Vị trí địa lý
- Phía Đông giáp huyện Phú Xuyên
- Phía Tây giáp huyện Mỹ Đức bởi ranh giới là Sông Đáy
- Phía Nam giáp thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Phía Bắc giáp huyện Chương Mỹ và huyện Thanh Oai.
Bản đồ hành chính huyện Ứng Hòa
Đơn vị hành chính gồm 29 đơn vị (1 thị trấn và 28 xã): Thị trấn: Vân Đình; Các xã: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tân, Đồng Tiến, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
3. Diện tích và dân số
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Ứng Hòa là 183,72 km², dân số năm 2017 khoảng 204.800 người. Mật độ dân số đạt 2.067 người/km².
4. Địa hình - Khí hậu
Huyện Ứng Hòa có địa hình khá bằng phẳng, gồm hai loại địa hình chính là đồng bằng chiêm trũng và núi đá. Sông Đáy là ranh giới tự nhiên phía Tây của huyện, đây cũng là giao tuyến phân chia hai loại địa hình này. Sông Nhuệ và sông Đáy là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của Ứng Hòa.
Về khí hậu, huyện thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nền nhiệt trung bình là 23,3 độ C và chênh lệch khá cao giữa mùa hè và mùa đông. Độ ẩm tương đối trung bình từ 75 - 90%, lượng mưa bình quân hàng năm 1.900mm. Đây là điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên thực tế, Ứng Hòa về cơ bản vẫn là một huyện thuần nông.
5. Kinh tế
Ứng Hòa là một huyện thuần nông của TP. Hà Nội với điểm xuất phát thấp. Những năm gần đây, huyện đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khôi phục ngành nghề truyền thống, phát triển nghề mới... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng nhân rộng các mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình đa canh, chuyên canh, nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, huyện đã dành tới 12 điểm tập trung trồng rau an toàn tại các xã ven sông Đáy với tổng diện tích lên tới 635 ha.
Về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn huyện có 02 cụm công ngiệp gồm cụm công nghiệp Xà Cầu và cụm công nghiệp Cầu Bầu. Bên cạnh đó, Ứng Hòa chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển thêm các nghề mới nhằm tạo công ăn việc làm co người dân địa phương.
Một số làng nghề nổi bật tại Ứng Hòa gồm: Làng nghề khảm trai Cao Xá (xã Trung Tú); làng đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ); làng bún Bặt (xã Liên Bạt); làng may Trạch Xá (xã Hòa Lâm); mây tre đan Đống Vũ (Trường Thịnh); giày da thôn Thần (Minh Đức); vịt cỏ Vân Đình; bông vải sợ Trung Thượng (Đại Hùng); nghề rèn thôn Vũ Ngoại (Liên Bạt)...
Trong quý 1/2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Ứng Hòa tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 3.274 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,53% so với cùng kỳ, ước đạt 936 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 5,2% so với cùng kỳ, ước đạt 806 tỷ đồng; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 10,2% so với cùng kỳ, ước đạt 1.532 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 29% so với dự toán Kế hoạch HĐND huyện giao, ước đạt 140 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trên địa bàn đạt 33% so với dự toán Kế hoạch HĐND huyện giao, ước 760 tỷ 642 triệu đồng.
6. Văn hóa
Ứng Hòa có truyền thống văn hóa lâu đời, thuộc nền văn minh sông Hồng. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp hiện vẫn được lưu giữ và phát huy.
Trên địa bàn huyện có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa được như: đình Hoàng Xá, đình Yên Trường, đình Vĩnh Lộc Thượng, đình Trung Thịnh, đình Tử Ddương, đền Thái Bình, đình Quảng Nguyên, đình Phú Lương, chùa Miêng Hạ, miếu Đông Dương, đình Vân Đình,... Hệ thống đình, chùa, đền, miếu, di tích không chỉ có giá trị về mặt văn hóa - lịch sử mà còn là còn có giá trị về mặt điêu khắc, nghệ thuật truyền thống.
7. Giáo dục
Theo định hướng chung của Thủ đô Hà Nội, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã và đang được chú trọng. Huyện tập trung nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh. Toàn huyện có 6 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và hàng chục trường mầm non, tiểu học, THCS.
Danh sách một số trường trung học trên địa bàn huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội:
- Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa A
- Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa B
- Trường Trung học phổ thông Trần Đăng Ninh
- Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng
- Trường Trung học phổ thông Đại Cường
- Trường Trung học phổ thông dân lập Nguyễn Thượng Hiền.
8. Y tế
Toàn huyện Ứng Hòa có 13/29 trạm y tế xã đạt chuẩn và có bác sĩ; 1 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Đa khoa Vân Đình); 3 phòng khám đa khoa khu vực phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có một số phòng khám tư nhân, quầy thuốc và nhà thuốc tư nhân khác.
9. Hạ tầng giao thông
Huyện Ứng Hòa được đánh giá là có hệ thống giao thông phân bố khá hợp lý, ngày càng hoàn thiện hơn tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống người dân và phát triển kinh tế. Cụ thể:
- Đường quốc lộ: Quốc lộ 21B là trục giao thông chính xuyên suốt Bắc Nam của huyện cùng với hệ thống cầu, cống với đoạn tuyến chiều qua huyện dài 22km đã được mở rộng, trải thảm nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng. Trục đường này đóng vai trò đối ngoại kết nối với mạng lưới giao thông thành phố.
- Đường Vành đai V là tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội. Tuyến đi qua đị phận huyện Ứng Hòa tại xã Hồng Quang, kết nối với huyện Mỹ Đức qua cầu Hồng Quang và với tỉnh Hà Nam qua cầu Phú Dư.
- Đường Đỗ Xá – Quan Sơn đoạn qua huyện có chiều dài 9km.
- Đường tỉnh lộ: Có tất cả 9 tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện với chiều dài 63,2km, trong đó có 39,7km được trải thảm nhựa, 10km bê tông xi măng và 13,5km đường cấp phối.
- Đường huyện: Có 30,3km đường huyện lộ, trong đó có 16,1km được thảm bê tông, 2,5km bê tông xi măng và 11,7km là đường cấp phối.
Những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được hoàn thiện không ngừng, đặc biệt khi chương trình thực hiện hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, huyện vẫn cần đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường.
10. Làng nghề
Ứng Hòa cùng với nhiều huyện giáp ranh Hà Nội của Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên,... là cái nôi của làng nghề. Các làng nghề truyền thống thủ công xưa và làng nghề mới trên mảnh đất trăm nghề này như:
- Làm đàn thôn Đào Xá (Đông Lỗ)
- Mây tre đan Đống Vũ (Trường Thịnh)
- Làm giày da thôn Thần (Minh Đức)
- Vịt quay, vịt cỏ đặc sản Vân Đình
- May áo dài Trạch Xá (Hòa Lâm)
- Giết mổ buôn bán thịt lợn Miêng Thượng (Hoa Sơn)
- Khảm trai Cao Xá (Trung Tú)
- Bông vải sợi Trung Thượng (Đại Hùng)
- Mây tre đan Trần Đăng (Hoa Sơn)
- Chẻ tăm hương, làm hương ở 2 thôn Phú Lương Hà và Phú Lương Thượng (Quảng Phú Cầu)
- Phế liệu, hương Xà Cầu (Quảng Phú Cầu)
- Mây tre đan cỏ guột Phí Trạch
- Nghề rèn thôn Vũ Ngoại (Liên Bạt)
- May màn Hòa Xá
- Làm bún ở làng Bặt (Liên Bạt)
- Chăn nuôi gia cầm, thủy sản, lợn, trồng cây lương thực...
11. Món ăn
Ứng Hòa còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với những sản phẩm đặc trưng và các đặc sản như: vịt cỏ Vân Đình, bánh cuốn, cháo vịt Vân Đình, bún Bặt,...
Cháo vịt Vân Đình
Vịt nấu cháo là vịt cỏ Vân Đình, thịt mềm ngọt, săn chắc, đậm đà. Vịt luộc chín, chặt miếng, còn nước luộc dành để nấu cháo. Để có được nồi cháo sánh ngon, thơm ngậy, có màu vàng nâu hấp dẫn thì phải có kinh nghiệm và bí quyết gia truyền của người Vân Đình. Gạo chọn nấu cháo là gạo nếp có lẫn tẻ ngon, thêm cả đậu xanh. Gạo vo sạch, bỏ vào chảo rang cho hơi vàng, tạo mùi thơm, rồi đổ vào nồi nước luộc vịt nấu nhuyễn. Cháo được nấu công phu, sánh nhuyễn, đậu xanh mịn, thơm bùi. Người ta thái thịt vịt thành miếng mỏng, nhỏ, đặt vào đáy bát, rưới lên một vài giọt nước mắm ngon, rồi mới múc cháo đổ lên, rải chút hành khô phi mỡ, rau mùi, hành hoa thái nhỏ lên mặt bát cháo.
Cháo nóng được bưng ra, nóng hổi, người ăn nhanh tay đảo đều từ dưới lên sao cho thịt, hành lá, rau mùi và chút nước mắm thơm lừng quyện đều vào nhau, làm tăng thêm vị đậm đà, thơm ngon. Cháo còn được thả lẫn lòng mề xào lăn, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Bánh cuốn Vân Đình
Một trong những đặc sản của huyện Ứng Hòa – Hà Nội là bánh cuốn Vân Đình. Bánh cuốn Vân Đình được tráng bằng loại gạo tẻ thơm ngon của địa phương. Với công nghệ tráng truyền thống, pha tí chút hàn the, bánh cuốn được vớt ra, xếp thành lớp trong bóng và ướt rất ngon. Khi ăn, người ta xếp bánh lên đĩa thành từng chồng, bôi hành mỡ phi thơm lên bánh, rồi dùng kéo cắt ra từng đoạn nhỏ, nóng còn bốc khói.
Không giống như các loại bánh cuốn khác, bánh cuốn Vân Đình được ăn với chả thịt nướng, Thịt ba dọi ngon, hoặc thịt vai thái miếng, được nướng trên than củi theo kiểu quạt chả. Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Thịt được nướng chín 1 sâu, gỡ ra, cho cả vào bát nước chấm, kèm theo 1 đãi nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn. Khách chỉ việc dùng đũa gắp bánh chấm, ăn kèm chả rất ngon miệng.
Vịt cỏ Vân Đình
Vịt cỏ Vân Đình là giống vịt cỏ bản địa được chăn thả theo hình thức truyền thống trên các đồng chiêm của huyện Ứng Hòa. Vịt cỏ Vân Đình đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, vốn xưa nay được kinh doanh không những ở Vân Đình, mà còn là món ẩm thực Hà thành đã có trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, chúng là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon mà theo người dân địa phương là không có nơi nào có thể ngon hơn điều này khiến Hà Nội được xem là thủ phủ vịt cỏ. Hiện nay, giống vịt cỏ này có nguy cơ bị mai một ngay trên vùng đất truyền thống của chúng do phải cạnh tranh với giống vịt bầu cánh trắng nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc và được nuôi đại trà do năng suất cao hơn, giá thành rẻ hơn.
12. Thị trường bất động sản huyện Ứng Hòa
Tọa lạc tại phía Nam TP. Hà Nội, huyện Ứng Hòa tiếp giáp với các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ và tỉnh Hà Nam. Là một huyện thuần nông, Ứng Hòa xác định nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng bền vững, chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ và đô thị hiện đại.
Sự hiện diện của 2 cụm công nghiệp Xà Cầu và Cầu Bầu khiến khu vực này trở nên đông đúc, tấp nập hơn, thu hút nhiều kỹ sư, chuyên gia, công nhân, người lao động tới làm việc và sinh sống. Nhu cầu về nhà ở vì thế cũng tăng lên, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Ứng Hòa phát triển. Giao dịch mua bán nhà đất huyện Ứng Hòa cũng sôi động hơn trước.
Hồi đầu năm 2018, cầu Mỹ Hòa vượt sông Đáy qua huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức được khánh thành, cùng với việc xem xét mở rộng Quốc lộ 21B đã tạo tiền đề cho thị trường nhà đất nơi đây trở nên "ấm" hơn.
Trên các website rao bán nhà đất, giá đất Ứng Hòa bị đẩy lên cao theo từng ngày. Đất vị trí đẹp tăng giá từ 10 triệu đồng/m2 lên 14 triệu đồng/m2, tiếp tục tăng lên mức 20 - 25 triệu đồng/m2. Khi thông tin quy hoạch trên không trở thành hiện thực, giá đất nơi đây đã giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư, đầu nậu chôn vốn, rao bán cắt lỗ nhưng rất hiếm giao dịch.
Theo các chuyên gia, huyện Ứng Hòa chưa hình thành thị trường bất động sản mà chỉ là những giao dịch nhỏ lẻ, giao dịch mua đi bán lại của người dân với nhau. Bởi lẽ, nơi đây là khu vực xa trung tâm TP.HCM, trái tuyến giao thông so với nội đô, chưa kể hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, chưa có các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn.
Thực tế hiện nay, đất nền giá rẻ và tầm trung là loại hình bất động sản tại huyện Ứng Hòa được giao dịch nhiều nhất. Tùy vị trí cụ thể, giá chào bán dao động trong khoảng từ 5 - 20 triệu đồng/m2. Đầu tư bất động sản "ăn theo hạ tầng" nói chung, nhà đầu tư cần lưu ý hai yếu tố: Thông tin quy hoạch dự án được chính quyền địa phương công bố; nhà đầu tư nên chờ thời điểm dự án chính thức được khởi công, tránh xuống tiền theo tâm lý đám đông - tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.