Lịch sử
Ngày 26/7/1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 120-CP về việc hợp nhất các huyện Quảng Oai, Bất Bạt và Tùng Thiện thuộc tỉnh Hà Tây thành một huyện lấy tên là huyện Ba Vì. Khi mới thành lập, huyện Ba Vì gồm 43 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng, Châu Sơn, Chu Minh, Cổ Đô, Cổ Đông, Đông Quang, Đồng Thái, Đường Lâm, Hòa Thuận, Khánh Thượng, Kim Sơn, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Sơn Đông, Tân Đức, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tây Đằng, Thái Hòa, Thanh Mỹ, Thuần Mỹ, Thụy An, Tích Giang, Tiên Phong, Tòng Bạt, Trạch Mỹ Lộc, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Vân Sơn, Vạn Thắng, Vật Lại, Xuân Sơn, Yên Bài.
Ngày 16/10/1972, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 50-BT về việc sáp nhập xã Trung Hưng và thôn Yên Thịnh II thuộc xã Đường Lâm, huyện Ba Vì vào thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây. Huyện Ba Vì còn lại 42 xã.
Ngày 27/12/1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất một số tỉnh. Theo Nghị quyết, hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, do đó, huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 18/12/1976, hợp nhất 2 xã Vân Sơn và Hòa Thuận thành xã Vân Hòa, huyện Ba Vì còn 41 xã.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Theo Nghị quyết, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, chuyển 7 xã: Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông về thị xã Sơn Tây quản lý và chuyển 2 xã: Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc về huyện Phúc Thọ quản lý. Huyện Ba Vì sau khi được điều chỉnh địa giới còn lại 32 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Cổ Đô, Châu Sơn, Chu Minh, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tân Đức, Tây Đằng, Thái Hoà, Thuỵ An, Thuần Mỹ, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vạn Thắng, Vân Hoà, Yên Bài, Vật Lại.
Ngày 3/3/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 45-HĐBT về việc thành lập thị trấn của các huyện Ba Vì và Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, thành lập thị trấn Quảng Oai (thị trấn huyện lỵ huyện Ba Vì) trên cơ sở 33,08 hécta đất với 2.375 nhân khẩu của xã Tây Đằng.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị quyết, huyện Ba Vì lại trở về với tỉnh Hà Tây quản lý.
Ngày 29/8/1994, hợp nhất thị trấn Quảng Oai và xã Tây Đằng thành thị trấn Tây Đằng. Huyện Ba Vì có 01 Thị trấn và 31 xã.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 14/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Theo Nghị quyết, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên là 454,08 ha và dân số hiện tại là 2.721 người của xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Huyện Ba Vì còn lại thị trấn Tây Đằng và 30 xã, giữ ổn định cho đến nay.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội khóa XII, huyện Ba Vì tái nhập vào thủ đô Hà Nội từ ngày 01/8/2008.
1. Giới thiệu về huyện Ba Vì
Huyện Ba Vì được biết đến là “lá phổi xanh” của thành phố Hà Nội với hệ sinh thái phong phú. Ngành dịch vụ nơi đây đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau. Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi với địa hình được chia làm 3 vùng rõ rệt: Vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông.
2. Vị trí địa lý
- Phía Đông tiếp giáp thị xã Sơn Tây và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
- Phía Tây tiếp giáp huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
- Phía Nam tiếp giáp huyện Thạch Thất và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
- Phía Bắc tiếp giáp thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Bản đồ hành chính huyện Ba Vì
Huyện Ba Vì có 31 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tây Đằng (huyện lỵ) và 30 xã: Yên Bài, Vật Lại, Vạn Thắng, Vân Hòa, Tòng Bạt, Tiên Phong, Thụy An, Thuần Mỹ, Thái Hòa, Tản Lĩnh, Tản Hồng, Sơn Đà, Phú Sơn, Phú Phương, Phú Đông,Phú Cường, Phú Châu, Phong Vân, Minh Quang, Minh Châu, Khánh Thượng, Đồng Thái, Đông Quang, Cổ Đô, Chu Minh, Châu Sơn, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Ba Trại.
3. Diện tích và dân số
Huyện Ba Vì có tổng diện tích đất tự nhiên là 428 km², dân số vào năm 2018 khoảng 282.600 người. Mật độ dân số đạt 660 người/km².
4. Địa hình - Khí hậu
Địa hình của huyện thấp dần từ phía Tây Nam sang phía Đông Bắc, chia thành 3 tiểu vùng khác nhau: Vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng ven sông Hồng. Có thể nói, địa mạo đặc biệt trên đã mang đến sắc thái riêng về điều kiện tự nhiên cũng như khả năng đa dạng hóa trong phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch.
Về khí hậu, Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Các yếu tố khí tượng trung bình nhiều năm ở trạm khí tượng Ba Vì cho thấy:
- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 với nhiệt độ trung bình 23°C, tháng 6 và tháng 7 có nhiệt độ trung bình cao nhất là 28,6°C. Tổng lượng mưa là 1832,2mm (chiếm 90,87% lượng mưa cả năm). Lượng mưa các tháng đều vượt trên 100 mm với 104 ngày mưa và tháng mưa lớn nhất là tháng 8 (339,6mm).
- Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 3 với nhiệt độ xấp xỉ 20°C, tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất 15,8°C; Lượng mưa các tháng biến động từ 15,0 đến 64,4mm và tháng mưa ít nhất là tháng 12 chỉ đạt 15mm.
Đất đai huyện Ba Vì được chia làm 2 nhóm, nhóm vùng đồng bằng và nhóm đất vùng đồi núi. Nhóm đất vùng đồng bằng có 12.892 ha bằng 41,1% diện tích đất đai toàn huyện. Nhóm đất vùng đồi núi: 18.478 ha bằng 58,9% đất đai của huyện.
5. Cơ sở hạ tầng
Huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nhiều tuyến đường giao thông đã được nâng cấp thuận lợi cho các phương tiện đi lại. Sự cứng hóa trong giao thông nội đồng mang tới khả năng gia tăng sản xuất.
Nhiều dự án phát triển thương mại nông thôn cũng được ra đời phục vụ nhu cầu giao thương, buôn bán.
Các công trình, dự án du lịch cũng ngày càng gia tăng tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân khu vực.
6. Làng nghề
Ba Vì là một huyện miền bán sơn địa phía Tây Bắc của thủ đô. Do đặc thù vị trí địa lý xa trung tâm thủ đô và địa hình đồi núi nhiều nên kinh tế huyện còn chậm phát triển trong các đơn vị hành chính cấp huyện của thủ đô. Huyện có rất nhiều làng nghề, làng có nghề, ngành nghề mang nét đặc trưng riêng của một huyện chuyển tiếp giữa đồng bằng và vùng núi như:
- Chế biến, sơ chế chè các thôn ở Ba Trại
- Làng nghề thuốc nam người Dao Hợp Sơn (Ba Vì)
- Làm bột sắn, miến rong Minh Hồng (Minh Quang)
- Làm du lịch tâm linh đền Trung và đền Hạ (Minh Quang)
- Làng nghề thuốc nam người Dao Yên Sơn (xã Ba Vì)
- Làng nghề chè thôn Phú Yên (Yên Bài)
- Nghề trồng hoa ở An Hòa (Tản Lĩnh)
- Làng nghề chè Đá Chông (Minh Quang)
- Có nghề sấy cau thôn Hạc Sơn (Châu Sơn)
- Làng nghề thuốc nam người Dao Hợp Nhất (Ba Vì)
- Nghề tơ tằm ở thôn Long Phú (Thuần Mỹ)
- Làm dịch vụ đặc sản huyện ở Tản Lĩnh
- Nghề khâu nón ở Phú Châu
- Nghề mộc và thợ mộc ở Tản Hồng
- Chăn nuôi bò sữa, gia súc, nuôi gia cầm, có và biết nghề quạy chè lam ở nhiều thôn.
7. Kinh tế – Xã hội
Ba Vì nối liền với các tỉnh và thủ đô Hà Nội bằng các trục đường chính như: quốc lộ 32, tỉnh lộ 89A… và các tuyến đường thủy qua sông Hồng, sông Đà có tổng chiều dài 70 km. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với bên ngoài, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế với cơ cấu đa dạng nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
Thế mạnh kinh tế của huyện là nông nghiệp. Cây lúa được trồng ở các vùng bãi ven sông. Cây công nghiệp và cây ăn quả được trồng ở các vùng đồi núi. Toàn huyện hiện có 1.200 ha chè, cung cấp nguồn nguyên liệu khá ổn định cho các nhà máy chế biến chè ở địa phương. Ngành chăn nuôi cũng phát triển, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Cùng với phát triển ngành nông nghiệp, Ba Vì đặc biệt chú ý khai thác tiềm năng về du lịch - dịch vụ.
Ba Vì cũng là vùng đất thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá, tiếp thu những tiến bộ của khoa học kĩ thuật để phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế của huyện khá đa dạng, trong đó huyện đã ưu tiên cho việc phát triển dịch vụ du lịch bên cạnh phát triển nông nghiệp và công nghiệp.
Về nông nghiệp: huyện đang từng bước đẩy mạnh cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng diện tích gieo trồng lên 28.567 ha. Phát triển chăn nuôi toàn diện, đa dạng hóa vật nuôi, tăng đàn bò lên 30 ngàn con, hàng năm cung cấp 4.200 tấn sữa và 1.400 tấn thịt. Quy hoạch 4 khu vành đai rau sạch có diện tích hàng chục ha.
Với đặc thù đồng đất chia làm ba vùng là núi, bán sơn địa và đồng bằng, những năm qua, huyện Ba Vì còn đẩy mạnh thực hiện các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trồng chè, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… phù hợp từng vùng để khai thác thế mạnh. Đến nay, diện tích trồng chè toàn huyện chiếm khoảng 1.650 ha, sản lượng hằng năm đạt gần 13 nghìn tấn, giá trị đạt trên 50 triệu đồng/ha; tổng đàn bò sữa đạt gần 3.000 con, đàn bò thịt phát triển mạnh với hơn 50.000 con. Ngoài ra, Ba Vì còn định hướng các xã vùng bán sơn địa và miền núi phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn. Toàn huyện hiện có gần 100 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với quy mô (500-2.000 con). Đối với 15 xã đồng bằng, huyện chỉ đạo đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đồng thời chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để nâng cao năng suất cây trồng. Ở những vùng đất trũng, canh tác lúa kém hiệu quả, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Ba Vì đã xây dựng được vùng nuôi thủy sản Vạn Thắng (diện tích 90ha) và Cổ Đô 350 ha cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa.
Về du lịch – dịch vụ: Đổi mới phương thức hoạt động theo cơ chế thị trường, doanh thu sẽ tăng nhiều lần và đón 5 triệu lượt khách mỗi năm, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 1.600 đến 6.000 dân, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài huyện có chương trình kế hoạch quy hoạch đất đai, dành quỹ đất thích hợp cho các điểm công nghiệp.
Huyện Ba Vì cũng là địa phương có các hoạt động xã hội rất tốt, tiêu biểu là hoạt động xoá đói giảm nghèo. Năm 2009, huyện Ba Vì đã giải quyết việc làm cho 10.500 lao động; xóa được 3.116 hộ nghèo, giảm 3,2% so với đầu năm 2009. Nhiều xã thuộc diện xã nghèo như Khánh Thượng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,24%; thị trấn Tây Đằng 29,12%; Thái Hòa 27,37%... song với nỗ lực trong công tác XĐGN các xã này đã "ra" khỏi diện xã nghèo.
Về giáo dục, toàn huyện có 113 trường, trong đó có 2 trường tư thục, 111 trường công lập, cụ thể: 41 trường mầm non, 35 trường tiểu học, 35 trường trung học cơ sở.
Về y tế, huyện có 2 bệnh viện:
- Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
- Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Tản Lĩnh.
8. Văn hóa
Thống kê năm 2009 cho biết huyện Ba Vì có 265.000 người, đa số dân số vùng này là dân tộc kinh, mường, dao mang đến nền bản sắc văn hóa riêng. Nếp sống văn hóa độc đáo của đồng bào, những phong tục tập quán, những làng nghề truyền thống đang được ra sức bảo tồn và phát triển. Văn hóa tâm linh đặc biệt được coi trọng, vị trí và vai trò của tín ngưỡng được đề cao. Núi Ba Vì được coi là nơi ngự của Đệ nhất Phúc thần Tản Viên - một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng người Việt, vị thần này được biết đến rộng rãi qua truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Nơi đây cũng là cái nôi của những truyền thuyết về thần nước (sông Đà). Được coi là nơi khởi nguồn của đất nước, núi Ba Vì là điểm tựa trong lòng mỗi người dân Ba Vì nói riêng và người dân Việt nói chung.
9. Giao thông
Về đường bộ: huyện Ba Vì có Quốc lộ 32 chạy qua thị trấn Tây Đằng, nối thị xã sơn Tây, thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc là Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Huyện đang tập trung đầu tư, xây dựng các công trình, các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn:
- Dự án mở rộng Quốc lộ 32 giai đoạn 1.
- Dự án tỉnh lộ 412 đi đền Trung, xã Minh Quang nối thị trấn Tây Đằng với khu du lịch hồ Suối Hai.
- Dự án xây dựng công trình, đường trục giao thông các thôn Quảng Phúc, thôn Bài, xã Yên Bài.
- Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 411C.
Đường thủy: sông Hồng, sông Đà và sông Tích.
Các tuyến phố chính: Chùa Cao, Cống Ải, Đông Hưng, Gò Sóc, Phú Mỹ, Quảng Oai, Tây Đằng, Vân Trai, Vũ Lâm.
Ngoài ra còn có tuyến đường thủy qua phía Tây, phía Bắc và Đông Bắc huyện từ Hà Nội đến Hòa Bình qua sông Hồng và sông Đà với chiều dài trên 70km.
Với vị trí địa lý và giao thông thủy bộ đang dần hoàn thiện, Ba Vì có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội như: giao thương, tiếp thu thông tin, công nghệ, khoa học kỹ thuật và vốn đầu tư, từ đó phát triển kinh tế đa dạng.
10. Du lịch
Ba Vì là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, lại là địa bàn quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc nên rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.
Vùng núi Ba Vì chiếm 42% diện tích toàn huyện, với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 m, cùng hệ động thực vật phong phú, quý hiếm. Tập trung xung quanh núi là hàng trăm con suối, hàng chục các hồ lớn nhỏ khác nhau như: Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Mơ, suối Tiên, hồ Suối Hai, đặc biệt suối khoáng nóng Thuần Mỹ có thể khai thác phục vụ du lịch dưỡng bệnh, nghỉ ngơi. Ngoài ra, Ba Vì còn có một loạt những di tích, địa danh đã đi vào lịch sử như khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Sơn Tây, vùng rừng thông Đá Chông, khu tưởng niệm Bác Hồ và hàng loạt các đình, đền, chùa đã được xếp hạng (đình Tây Đằng được xếp hạng là một trong 12 di tích đặc biệt quan trọng). Hiện nay, hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã được đưa vào khai thác có hiệu quả.
Hàng năm, Ba Vì đón khoảng 2,3 triệu lượt khách. Trong chiến lược phát triển du lịch của huyện, huyện đã có chủ trương đầu tư, đẩy mạnh khai thác du lịch Vườn quốc gia Ba Vì và du lịch suối nước nóng, hướng tới phát triển các mô hình du lịch sinh thái và nghỉ ngơi cuối tuần.
Đây là vùng có nhiều dân tộc sinh sống nên nét văn hoá đặc trưng của người Dao, người Mường cũng là một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Đặc biệt, xã Ba Vì có khoảng gần 2100 nhân khẩu người Dao và là nơi vẫn còn bảo lưu, giữ gìn được nhiều nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc này như phong tục Tết nhảy.
Nhận thức được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua Ba Vì đã xác định đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã chú trọng quan tâm đến công tác quy hoạch, mời gọi đầu tư và quảng bá hình ảnh quê hương, con người và danh thắng Ba Vì. Hiện đã có 15 doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây. Hoạt động du lịch đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huyện. Từ chỗ chỉ có 91,4 vạn lượt khách du lịch với doanh thu 42,1 tỷ đồng năm 2007, đến nay, đã có 1,1 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu cũng tăng lên 70 tỷ đồng. Huyện đang phấn đấu trong năm 2010, năm du lịch Quốc gia Hà Nội và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sẽ thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách. Dưới đây là một số địa điểm du lịch nổi tiếng:
Vườn quốc gia Ba Vì
Là cánh rừng ôm trọn ba đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Ba Vì: đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên và đỉnh Ngọc Hoa, vườn quốc gia Ba Vì không những lưu giữ nhiều huyền thoại từ thời lập đất, lập quốc mà còn là một thế giới đại ngàn với hệ thống động thực vật muôn điều kỳ thú.
Với diện tích gần 11.000 ha, vườn quốc gia Ba Vì được coi là "lá phổi xanh" phía Tây thủ đô Hà Nội. Tại vườn quốc gia có các địa điểm tham quan như nhà thờ cổ bỏ hoang, phủ kín rêu phong mang vẻ huyền bí, hay nhà kính xương rồng.
Cũng như Đà Lạt, Sa Pa hay Tam Đảo, người Pháp xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ở cốt 400, 600 và 1.000. Chỉ khác là chúng đã bị tàn phá theo thăng trầm thời gian cùng thời cuộc. Bởi thế, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những nền móng kiến trúc từ hàng trăm năm trước khi đi sâu vào trong rừng. Những khu nghỉ dưỡng, những bếp lò, những bức tường, tất cả đều được bao phủ bởi cây rừng và sương núi.
Khoang Xanh - Suối Tiên
Khoang Xanh nằm ở sườn phía đông của núi Ba Vì, trong một khu vực có rừng nguyên sinh, và thuộc quần thể vườn quốc gia Ba Vì. Khoang Xanh có nhiều khoảng rừng nguyên sinh và có trên 2 km suối tự nhiên. Mùa hè, những dòng thác đẹp như thác Mơ, thác Hoa, thác Tràn, thác Mâm Xôi... ngày đêm đổ xuống từ trên núi. Ngoài khu vực suối và rừng tự nhiên, Khoang Xanh còn nhiều khu vực nhân tạo khác như: công viên nước, hồ tắm khoáng, khu vui chơi dành cho cả trẻ em và người lớn, bùn khoáng nóng...
Ao Vua
Ao Vua nằm dưới chân núi Tản Viên, thuộc thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Ao Vua là một cái ao nhỏ, nhưng bốn mùa đong đầy nước. Tương truyền, nước ở ao Vua vốn là do" Vua thủy" hay Thủy Tinh dâng lên để đánh Sơn Tinh. Nơi này còn có giếng Mũi Gươm, gắn với tích Sơn Tinh cắm gươm xuống núi để quân lính đào giếng lấy nước khi đánh Thủy Tinh. Hiện Ao Vua được phát triển thành khu du lịch, có không gian nghỉ dưỡng, vui chơi, công viên nước với các trải nghiệm leo núi, lội suối, bơi thuyền...
Thiên Sơn - Suối Ngà
Nằm dưới chân núi Tản Lĩnh, khu du lịch có cảnh quan rừng, hồ, suối thác và cả dịch vụ vui chơi, ăn nghỉ chia thành ba khu Hạ Sơn, Trung Sơn và Ngoạn Sơn. Du khách nên mang theo đồ cắm trại, bàn ghế, ngồi bên dòng suối hay đi bộ trong rừng cây xanh ở Hạ Sơn.
Lên tới Trung Sơn, du khách có thể nghỉ trong nhà sàn và dùng bữa tại nhà hàng đặc sản gà quay, cá suối, thịt nướng... Đến khu Ngoạn Sơn, du khách sẽ thấy thác Cổng Trời ở độ cao hơn 60 m đổ xuống sườn núi tạo thành bể bơi thiên nhiên sâu 1,5-2 m.
Rừng Bằng Tạ
Rừng Bằng Tạ nằm ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây. Khu bảo tồn tự nhiên này rộng gần 27 hecta, với rừng cây, hồ nước, bãi cỏ... và nhiều loài động vật hoang dã như khỉ, hươu, lợn rừng. Rừng nguyên sinh được khai thác du lịch, với khu du lịch Đầm Long - Bằng Tạ.
Đồng Mô
Khu du lịch Đồng Mô gồm hồ nước khoảng 200 ha dưới chân núi Ba Vì, với các khu nghỉ dưỡng rải rác trên các hòn đảo, sân golf...
Theo truyền thuyết hồ Đồng Mô là nơi diễn ra cuộc chiến giành công chúa Mị Nương giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Trong trận chiến, Thủy Tinh đưa nước dâng đến đâu thì Sơn Tinh làm phép nâng núi cao tới đó. Cuối cùng Thủy Tinh chịu thua, hồ nước rộng lớn còn lại đến nay là kết quả của cuộc chiến xưa kia.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Là một phần của khu du lịch Đồng Mô, làng có tổng diện tích 1544 ha, gồm 7 khu: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và Khu các làng dân tộc.
Đến đây du khách sẽ tìm hiểu không gian văn hóa với những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực dân tộc, trải nghiệm thực tế với cộng đồng các dân tộc qua các hoạt động như nấu ăn, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ... Bạn nên liên hệ để tham khảo các hoạt động, sự kiện của làng văn hóa trước khi đến.
Sơn Tinh Camp
Khu cắm trại nằm trong khu du lịch Đồng Mô, tọa lạc tại thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Địa hình phong phú từ đồi núi, lòng chảo và cả bãi cỏ rộng để tổ chức các hoạt động ngoài trời như team building, trò chơi gia đình. Tại đây, du khách có thể tổ chức cắm trại, tổ chức tiệc nướng BBQ, đạp xe, leo núi, vui chơi tại bể bơi...
Thung lũng Bản Xôi
Ngay gần Đồng Mô là thung lũng Bản Xôi được bao quanh bởi đồi cây xanh và hồ nước điều hòa, khí hậu quanh năm mát mẻ. Hồ Bản Xôi được hình thành từ các mạch nước trên dãy Ba Vì rộng hơn 11ha.
Đến đây, du khách được tận hưởng không gian sống trong lành của thiên nhiên và thưởng thức nhiều món ăn địa phương như gà ta đắp đất, cá nheo om chuối đậu, cơm lam muối vừng… Nơi này có dịch vụ lưu trú cao cấp, khu cắm trại, khu vui chơi trẻ em cùng các trải nghiệm đu zipline, chèo kayak...
Trang trại
Một số trang trại đón du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông là Trang Trại Đồng Quê Ba Vì, Detrang Farm... Trong đó, Detrang Farm rộng khoảng 12 ha với khu chăn nuôi dê, ngựa, lạc đà, đà điểu... Tới đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên dưới nhiều tán cây xanh, trải nghiệm cho động vật ăn, vắt sữa dê hay các hoạt động dân gian như nhảy sạp, làm bánh trôi nước, làm gốm...
Khu cắm trại glamping giữa đồng cỏ phục vụ khách nghỉ trưa hoặc lưu trú qua đêm. Khu trại cho thuê bếp nướng, chuẩn bị đồ ăn để có thể tổ chức tiệc ngoài trời và đốt lửa trại. Cuối tuần sẽ có những buổi biểu diễn nhạc sống. Lều trại ở đây dựng sẵn, mang phong cách Mông Cổ, bên trong có đệm hơi, gối thích hợp cho 2-4 người nghỉ.
Hồ Tiên Sa
Khu du lịch Hồ Tiên Sa nằm dưới chân núi Tản Viên, phong cảnh hữu tình. Bạn có thể ngồi câu cá, thư giãn ở nhà nổi trên hồ hoặc thuê thuyền phao ngắm cảnh. Ở đây cũng có công viên nước; xuồng cao tốc phục vụ du khách lướt ván và thăm vòng quanh hồ.
Ngoài ra, Ba Vì còn có khu du lịch sinh thái Thác Đa, khu du lịch Tản Đà, hồ Suối Hai... thích hợp cho kỳ nghỉ cuối tuần.
11. Món ăn
Thịt dê Ba Vì ít mỡ, thịt săn và ngọt. Thui vàng và ướp với lá hương nhu, cúc tần..., thịt dê có thể chế biến thành nhiều món như tái chanh, nướng, xào lăn, hấp xả, bóp thấu hoặc hầm rượu vang. Để món ăn ngon hơn, du khách có thể chấm với tương, ăn kèm với cơm lam, rau xào của Ba Vì. Các địa chỉ gợi ý để thưởng thức dê núi là nhà hàng vườn ẩm thực Ba Vì ở mặt đường quốc lộ Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội, nhà hàng Lá Cọ ở xã Tản Linh.
Thịt đà điểu trở thành đặc sản Ba Vì khi các trang trại chăn nuôi nhiều. Thịt săn, vị ngọt, mềm hơn bò và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Du khách có thể thưởng thức các món ăn từ đà điểu như lẩu mề, thịt xào lăn hay giò. Một số địa chỉ gợi ý là nhà hàng Oanh Thám, ở khu chợ Tản Lĩnh, đường lên Đá Chông. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua giò, thịt đà điểu tươi về làm quà với giá bá khoảng 270.000 đồng một kilogram. Để tránh mua thịt giả, bạn nên tới cửa hàng thực phẩm tươi Liễu Quân, xã Vân Hòa.
Gà đồi ở Ba Vì chủ yếu là gà ri lai mía, nặng khoảng 2 kg. Được cho ăn đỗ tương, ngô và dầu cá..., gà ri ở đây cho thịt nạc và da dai. Thịt gà thường được như nướng cả con, quay than, luộc, rang xả ớt, nộm hành tây... Một số địa chỉ gợi ý để thưởng thức món ăn này là nhà hàng ẩm thực đồng quê Hương Việt, nhà hàng vườn Ẩm thực xã Yên Bài.
Bánh tẻ làng Phú Nhi là một trong những đặc sản mà du khách không nên bỏ qua. Với phần bánh dẻo mịn, thơm ngậy và nhân đầy ắp thịt, mộc nhĩ, món ăn này còn thích hợp để mua về làm quà. Bánh tẻ ngon hơn khi chấm với nước mắm chanh, ớt. Món bánh này được bán ở hầu hết các nhà hàng hay khu tham quan ở Ba Vì với giá khoảng 8.000 đồng một chiếc.
Đặc sản từ sữa: Ba Vì được xem là "vùng đất sữa trắng" bởi có nhiều trang trại chăn nuôi bò, dê lấy sữa. Ngoài sữa tươi thì bánh sữa, sữa chua hay caramen là những món ăn được nhiều thực khách yêu thích. Trên tuyến đường tham quan các khu di tích, du khách sẽ gặp nhiều cửa hàng bán sữa. Sữa tươi có thể làm quà tuy nhiên chỉ bảo quản lạnh được khoảng 3 ngày.
12. Thị trường bất động sản huyện Ba Vì
Ba Vì là miền đất hứa để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, homestay, trang trại… Các khu vực có view đẹp, phong thủy tốt ở Suối Hai, Yên Bài, Vân Hòa thu hút nhiều nhà đầu tư kinh doanh. Trước kia, giá đất Ba Vì còn rất rẻ, nhiều gia đình khá giả sống ở nội thành Hà Nội đã chọn mua đất Ba Vì với mục đích làm trang trại, nhà vườn để nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần hoặc góp vốn mua chung mảnh đất rộng 500-2.000m2, chờ lên giá thì bán chốt lời.
Năm 2010, Ba Vì đã từng lên cơn sốt đất khi có thông tin trung tâm hành chính quốc gia sẽ chuyển về Ba Vì khiến người người, nhà nhà đổ dồn về Ba Vì để buôn đất đẩy giá đất nơi đây tăng tới 2-3 lần. Thời điểm đó, giá đất các xã Yên Bài, Tản Lĩnh, Vân Hòa từ mức 70-80 triệu đồng đã tăng lên tới 250 triệu đồng/sao. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, khi thông tin di dời trung tâm hành chính quốc gia bị bác bỏ, nhiều người ôm đất Ba Vì chờ tăng giá lâm vào cảnh bán tháo nhưng không có người mua, giá đất Ba Vì bỗng nhiên lao dốc với mức giảm tới 70%.
Sau thập kỷ ngủ đông, gần đây, sức nóng của thị trường bất động sản Ba Vì đã quay trở lại nhưng nhìn chung, mặt bằng giá vẫn còn thấp hơn so với các huyện ven đô của Hà Nội. Hiện tại, lượng khách quan tâm đến bất động sản Ba Vì tăng khá nhanh, một phần vì xu hướng “bỏ phố về quê” tìm không gian sống yên tĩnh, trong lành, tránh xa khói bụi thành phố của giới nhà giàu Hà Nội được kích hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, một phần vì “cò đất” đón đầu quy hoạch để kích giá. Cụ thể, thông tin Quy hoạch chung Thủ đô năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, định hướng về cụm du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì – Suối Hai khiến thị trường bất động sản Ba Vì nóng lên từng ngày. Cụ thể, đất vị trí mặt tiền đường gần khu du lịch Suối Hai trước đó giá cao nhất chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/m2 thì nay đã được đẩy lên mức 6-8 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, ở thời điểm này, dù bong bóng bất động sản Ba Vì không phình to như 10 năm trước nhưng tốc độ tăng phi mã như hiện nay cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lướt sóng tại khu vực này bởi đất ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, thậm chí chưa có sổ. Nên khi giao dịch, chủ yếu là giấy viết tay sẽ rất rủi ro.
13. Các dự án bất động sản
Huyện Ba Vì có khoảng 13 dự án.
Bản Xôi Village
- Tên dự án: Bản Xôi Village
- Chủ đầu tư: Công ty CP Đầu Tư và Khai Thác Thung Lũng bản Xôi
- Vị trí dự án: Xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội
- Diện tích khu đất: 7,2ha
- Quy mô dự án: 81 lô biệt thự
- Mật độ xây dựng: 40%
- Diện tích biệt thự: 287m2 - 375m2
- Kiểu biệt thự: Không xác định
- Giá từ: 29.3 - 34.4 triệu/m².
Ba Vì Lodge
- Tên dự án: Ba Vì Lodge
- Vị trí: Xã Vân Hòa, Ba Vì, TP. Hà Nội
- Chủ đầu tư: Công ty CP đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nam
- Đơn vị thiết kế: Modun Home
- Đơn vị thiết kế nội thất: Combo Home
- Diện tích toàn khu: 3,5ha
- Diện tích cây xanh: 25.000m2
- Quy mô: 27 lô villas
- Hình thức sở hữu: sổ hồng lâu dài
- Giá bán: 4,5 - 6 triệu/m2.
Yên Bài Top Hills Villas
- Tên dự án: Yên Bài Top Hills Villas
- Vị trí: Xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội
- Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sinh thái Ba Vì - EcoBavi
- Quy mô: 56 căn biệt thự
- Diện tích xây dựng: 130,000 m²
- Quy hoạch phần đất công cộng: 22.000m2
- Quy hoạch đất giao thông và hạ tầng khác: 28.000m2
- Thời điểm hoàn thành: 2011
- Giá từ: 9.6 triệu/m².