THÔNG TIN KHU VỰC Xã Tân Hưng, Huyện Sóc Sơn


Lịch sử

Từ xa xưa, nhân dân Tân Hưng đã sớm có ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.Ngày nay, tại thôn Ngô Đạo vẫn còn có thể thấy dấu vết của đồn binh từ thời Lý - Trần để lại. Vào thế kỷ XIX, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, cụ Vũ Khiêm đã kêu gọi trai tráng trong xã theo nghĩa quân đi đánh giặc. 

Vào năm 1933, chi bộ Tân Yên được thành lập, người đân xã Tân Hưng cũng bắt đầu có nhận thức hướng theo cách mạng đấu tranh tập thể. Giai đoạn 1936 - 1939, một số tổ chức như hội cấy thuê, gặt mướn, hiểu hỷ,... đã xuất hiện tại xã để nhân dân giúp đỡ lẫn nhau và cùng đấu tranh chống hủ tục lạc hậu. Ngày 04/3/1944, đội tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Tân Hưng được thành lập. Sáng ngày 20/8/1945, lực lượng tự vệ cùng nhân dân các thôn trong xã kết hợp với lực lượng hỗ trợ từ các xã Mai Phong, Trung Định, Hợp Thịnh, Đại Thành (huyện Hiệp Hòa) bao vây đồn Khố Xanh, giành chính quyền.

Cùng với nhân dân cả nước, sau khi giành độc lập, nhân dân xã Tân Hưng bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn, cùng lúc thực hiện ba nhiệm vụ chính là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giữa năm 1947, chi bộ ghép 3 xã vùng đông bắc huyện gồm xã Phúc Ninh, Tăng Phúc và Tân Hưng được thành lập. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, phong trào cách mạng ở Tân Hưng phát triển nhanh chóng. Từ giữa năm 1949, xã Tân Hưng thực hiện tốt nhiệm vụ “kháng chiến kiến quốc”, xây dựng hậu phương vững mạnh, tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. 
 
Từ tháng 8/1954 đến năm 1965, Tân Hưng tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chi bộ, chính quyền xã lãnh đạo nhân dân dựng lại nhà cửa, khai hoang, phục hóa, tổ chức sản xuất. Sau công cuộc khôi phục kinh tế được hoàn thành cơ bản, Tân Hưng thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960) và đạt được một số thành tựu nhất định: đến giữa năm 1960, gần 100% số hộ trong xã đã vào hợp tác xã, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Giai đoạn 1961-1965, Tân Hưng thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
 
Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhận thức vị trí trọng yếu là nơi tiếp giáp với các điểm giao thông huyết mạch, là địa bàn đóng quân của nhiều nhà máy, xí nghiệp của nhà nước nên nhân dân xã Tân Hưng khẩn trương chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng nhằm chống lại sự đánh phá của địch. Bên cạnh đó, Tân Hưng làm tốt nhiệm vụ duy trì sản xuất, huy động trên 300 thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. Giai đoạn 1969 - 1972, nhân dân xã Tân Hưng vừa khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, khôi phục phát triển kinh tế, chi viện cho miền Nam vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ.  Giai đoạn 1973 - 1975, xã Tân Hưng đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, dồn sức cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

1. Giới thiệu xã Tân Hưng

Tân Hưng là một xã nằm ở phía đông bắc của huyện Sóc Sơn. Địa hình xã chia thành hai khu vực rõ rệt: vùng gò và ruộng bậc thang thuộc thôn Đạo Thượng và Cốc Lương, vùng chiêm trũng thuộc ba thôn Ngô Đạo, Hiệu Chân và Cẩm Hà.

2. Vị trí địa lý

Xã Tân Hưng có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp với huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) ngăn cách bằng con Sông Cầu
  • Phía tây Giáp với Xã Trung Giã
  • Phía nam giáp Xã Tân Minh, Bắc Phú

xa_tan_hung

Bản đồ xã Tân Hưng

3. Diện tích và dân số

Diện tích đất nông nghiệp: 548,37 ha

Diện tích đất phi nông nghiệp: 344,91 ha

Diện tích đất thổ cư: 66,94 ha

Diện tích đất chưa sử dụng: 7,08 ha

Dân số năm 2012: 10.489 người

4. Giao thông

Xã Tân Hưng có tuyến đường tỉnh lộ 131 và tỉnh lộ 296 ngang qua.

5. Văn hóa - Xã hội

Như bao làng quê Việt Nam khác, Tân Hưng có hệ thống đền, chùa, đình, miếu khá đầy đủ với kiến trúc rất độc đáo, mang đậm bản sắc, tính thẩm mỹ cao, có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc… Gắn với các đình, chùa là hệ thống lễ hội phong phú, đặc sắc. Lễ hội Thượng Nguyên vào đầu năm âm lịch, hội làng ở các thôn trong xã được tổ chức quy mô, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống. Bên cạnh hội vật truyền thống còn có lễ hội cơm mới được tổ chức vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm. Trong ngày này, nhân dân mỗi làng làm bánh dày, tổ chức rước kiệu và tế lễ tại đình.
 
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của xã phát triển đa dạng khắp các thôn. Hệ thống thông tin liên lạc được mở rộng, đến tháng 4/2005, bình quân 28 người dân có 1 máy điện thoại, năm 2009 gần 90% hộ dân xã Tân Hưng có điện thoại cố định. Tân Hưng có hệ thống thiết chế văn hoá khá đầy đủ với 5/6 nhà văn hoá ở các thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có các địa điểm để sinh hoạt văn hoá.
 
Những xã/phường khác