THÔNG TIN KHU VỰC Xã Đông Xuân, Huyện Sóc Sơn


Lịch sử

Nhân dân Đông Xuân vốn giàu truyền thống cách mạng, tham gia nhiều phong trào yêu nước. Những năm 1905-1908, các nhà nho địa phương như cụ đồ Tân đã vận động lập Hội Thiện nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của nhân dân. 
 
Trong cuộc vận động tiến tới tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngay từ đầu năm 1937, thông qua ông Lê Văn Chụp ở Xuân Kỳ, đồng chí Xuân Thủy thay mặt cho Trung ương đã cử người về mở lớp dạy học, gây cơ sở cho Trung ương và hoạt động tại Xuân Kỳ. Cuối năm 1941, cơ sở Việt Minh Xuân Kỳ được thành lập và dần phát triển thành cơ sở vững vàng, trở thành nơi làm việc của Trung ương. Nhân dân Xuân Kỳ được giác ngộ cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh nuôi giấu, che chở cho cán bộ cách mạng Trung ương, Xứ ủy, Ban cán sự tỉnh về ăn, ở, làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Toàn Thư, Lê Quang Đạo, Lê Thị Lịch (tức Liên)... Cũng tại Xuân Kỳ, ngày 21/01/1942, số báo đầu tiên của Báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại Đoàn kết) do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung đã bí mật ra đời.
 
Cơ sở cách mạng Xuân Kỳ ngày càng lớn mạnh, tháng 12/1942, Ban cán sự tỉnh quyết định thành lập chi bộ Xuân Kỳ - chi bộ đầu tiên của huyện Kim Anh với 3 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Xuân Kỳ, phong trào cách mạng ở Đông Xuân và các xã lân cận phát triển nhanh chóng. Ngày 17 và 18/8/1945, cùng với Phù Lỗ, Đông Xuân trở thành nơi giành được chính quyền sớm nhất huyện Kim Anh.
 
Từ tháng 9/1945 đến năm 1954, xã Đông Xuân tiếp tục đấu tranh giữ vững chính quyền và tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân dân Đông Xuân thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc đói và giặc dốt. Từ tháng 8/1954 đến năm 1965, xã Đông Xuân tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo điều kiện để cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tháng 5/1961, Đảng bộ xã Đông Xuân được thành lập với 40 đảng viên, sinh hoạt ở 3 chi bộ. Trong 10 năm (1966-1975), Đông Xuân cùng quân dân cả nước tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đất nước thống nhất, xã Đông Xuân cùng nhân dân cả nước bắt đầu thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới.

1. Giới thiệu xã Đông Xuân

Đông Xuân nằm ở phía đông nam huyện Sóc Sơn. Hiện nay, xã Đông Xuân được chia thành 15 thôn, khu gồm: thôn Thượng, thôn Bến, thôn Cả, thôn Yêm, thôn Đồng Dành, thôn Phú Thọ, thôn Đông Thủy, thôn Tuyền, thôn 17, khu Trôi, khu Làng, khu Trại, khu Đình, khu 228 và khu đường 3.

2. Vị trí địa lý

Xã Đông Xuân có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp xã Kim Lũ
  • Phía tây giáp các xã Phù Lỗ và Mai Đình
  • Phía nam giáp huyện Đông Anh với ranh giới là sông Cà Lồ
  • Phía bắc giáp các xã Tiên Dược và Đức Hòa

Vị trí xã Đông Xuân

3. Diện tích và dân số

Tổng điện tích của xã Đông Xuân là 7,11 km2. Dân số năm 2012 là 12.583 người, mật độ dân số là 1.922 người/km2.

4. Giao thông

Tại địa bàn xã Đông Xuân có đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long và đường 286 ngang qua.

Những xã/phường khác