THÔNG TIN KHU VỰC Xã Đức Hoà, Huyện Sóc Sơn


Lịch sử

Đức Hòa là vùng đất có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ rất sớm. Theo truyền thuyết, khi Thánh Gióng đuổi giặc Ân đến vùng Đa Phúc thì có một trẻ mục đồng ở đây đã lấy lá khoai sọ múc nước cho uống. Để ghi nhận công ơn người dân nơi đây, Thánh Gióng đã đặt tên cho làng đó là Thanh Thủy, làng có người múc nước là Đức Hậu. 
 
Khi Đảng ra đời, phong trào cách mạng chống thực dân Pháp ở nơi đây rất mạnh mẽ. Nhiều gia đình trong những năm 1943 - 1944 trở thành nơi trú chân của lực lượng Việt Minh và các đồng chí lãnh đạo; nơi đây đã hình thành những cơ sở cách mạng đầu tiên tại vùng. Các đội tự vệ đã phục kích đánh địch, làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh của nhân dân. Trong cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân trong vùng đã đứng lên chống lại bọn lý trưởng, cướp chính quyền vào ngày 17/8 và tổ chức bộ máy chính quyền mới. Ngày 26/6/1947, chi bộ Đảng đầu tiên của xã đã được thành lập ghép với chi bộ Xuân Phú và Kim Thu. Tiếp đó, ngày 3/3/1963, Đảng bộ Đức Hoà được thành lập, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Đức Hòa đã cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

1. Giới thiệu xã Đức Hòa

Đức Hòa nằm ở phía Đông Nam của Sóc Sơn. Đất đai chủ yếu là đất cát pha, bạc màu, thuận tiện cho phát triển cây hoa màu nhưng lại không có đủ dinh dưỡng nên thường cho năng suất thấp và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Do đó, vấn đề thủy lợi trở thành vấn đề tâm điểm trong việc phát triển kinh tế vùng.

2. Vị trí địa lý

Xã Đức Hòa có vị trí địa lý:

  • Phía đông xã Xuân Giang và tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cà Lồ
  • Phía tây giáp các xã Đông Xuân và Tiên Dược
  • Phía nam giáp các xã Kim Lũ và Đông Xuân
  • Phía bắc giáp các xã Tân Minh và Xuân Giang

Vị trí địa lý xã Đức Hòa

3. Diện tích và dân số

Diện tích của xã Đức Hòa là 7,37 km2. Dân số năm 2012 là 8.306 người, mật độ dân số là 1.174 người.

4. Văn hóa - Xã hội

Đức Hòa đến nay vẫn còn lưu giữ được hệ thống đình, chùa, đền được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Đình, chùa cổ thôn Đức Hậu đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa vào năm 1994. Đặc biệt, đình thôn Thượng vẫn còn 2 cuốn thần phả và 14 sắc phong nói về thánh Tam Giang và tướng quân Tế Thế. Vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đức Hoà rước ngà voi tham gia lễ hội Đền Sóc. Các lễ hội trong vùng vẫn được tổ chức thường xuyên như lễ hội thôn Phổ Lộng và Đức Hậu vào ngày 06/09 âm lịch, lễ hội thôn Đình và thôn Trại vào ngày 12/10 âm lịch. Trong những lễ hội này, các nghi thức cổ truyền và các trò chơi dân gian được bảo tồn. Đức Hoà có hệ thống thiết chế văn hoá khá đầy đủ với 6/7 nhà văn hoá ở các thôn; 5/7 thôn được công nhận thôn làng văn hoá cấp huyện, 01 thôn được công nhận thôn làng văn hoá cấp thành phố.

Những xã/phường khác