THÔNG TIN KHU VỰC Xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn


Lịch sử

Vào đời vua Hùng thứ 6, Phù Linh theo truyền thuyết là nơi lưu lại chiến tích của Thánh Gióng trong công cuộc chống lại giặc Ân xâm lược. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, người dân Phù Linh đã lập đền thờ ông tại chân núi Sóc. Truyền thống đó được tiếp nối trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Nhân dân Phù Linh đã cùng nghĩa quân Đề Thám xây dựng căn cứ ở gò Đồng Cao (thôn Thanh Lại) và đánh phục kích nhiều trận.
 
Đảng cộng sản ra đời, cuộc đấu tranh của nhân dân Phù Linh càng được tiếp thêm sức mạnh. Năm 1945, cơ sở Việt Minh tại Phù Linh được thành lập gồm 7 người, là tiền đề cho các hoạt động cách mạng sau này. Đặc biệt, ngày 19/8/1945, lực lượng Việt Minh của xã đã trở thành nòng cốt trong việc cướp chính quyền tại huyện lỵ Đa Phúc, thu giữ ấn tín, hồ sơ, sổ sách cùng 12 khẩu súng trường của giặc và tổ chức chính quyền mới ở các làng. Sau cách mạng, cuộc đấu tranh của nhân dân bước vào giai đoạn mới và có những tiến bộ lớn. Đầu năm 1946, xã đã có 3 đảng viên đầu tiên là đồng chí Đào Duy Nhân, Nguyễn Đoan Hồng, Hoàng Cương và tổ chức thành lập chi bộ Đảng đầu tiên do đồng chí Đào Duy Nhâm làm Bí thư. Từ đây, nhân dân Phù Linh tiếp tục cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và Mỹ, tiến hành những bước đi đầu tiên trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1. Giới thiệu về xã Phù Linh

Phù Linh là xã nằm ở phía bắc huyện Sóc Sơn. Phù Linh đã có nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Trước Cách mạng tháng Tám, các làng, ấp của Phù Linh ngày nay đều thuộc các tổng khác nhau như Phổ Lộng, Tiên Dược, Trung Giã,... Sau cách mạng, việc thiết lập hệ thống chính quyền mới đã dẫn đến sự ra đời của xã Phù Linh năm 1946 gồm các thôn: Xuân Đoài, Phù Mã, Vệ Linh, Đạc Đức, Thanh Lại. Năm 1948, xã tiếp nhận thêm 2 thôn mới là Thanh Quang, Thanh Trì; đồng thời sáp nhập với xã Lạc Long để tạo thành một xã mới. Sau năm 1954, xã Lạc Long được tách ra thành 2 xã Tiên Dược và Phù Linh. Năm 1960, xã tiếp nhận thêm thôn Thái Ninh từ xã Hồng Kỳ. Cuối năm 1963, một loạt các thôn là Thanh Lại, Thái Ninh, Thanh Quang, Thanh Trì đã hợp nhất thành thôn Cộng Hòa và giữ nguyên cho đến hiện nay. Như vậy, Phù Linh ngày nay có 4 đơn vị hành chính thôn là Xuân Đoài, Phù Mã, Cộng Hòa và Vệ Linh (đã sáp nhập Đạc Đức vào).

2. Vị trí địa lý

Xã Phù Linh có vị trí địa lý:

  • phía bắc giáp xã Hồng Kỳ
  • phía đông giáp xã Tân Minh
  • phía nam giáp thị trấn Sóc Sơn
  • phía tây giáp xã Nam Sơn, Minh Phú

xa_phu_linh

Bản đồ xã Phù Linh

3. Diện tích và dân số

Xã Phù Linh có diện tích 14,05 km2. Dân số của xã năm 2012 là 9.526 người, mật độ dân số là 661 người/km2.

4. Di tích lịch sử

Đền Gióng

Đền Gióng Sóc Sơn tọa lạc tại núi Vệ Linh (núi Sóc). Ngôi đền này đã được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, có một miếu nhỏ thờ Phù Đổng Thiên Vương và chùa Non nước. Sau này vào đời vua Lê Đại Hành, trên đường hành quân chống quân Tống, ông cùng quân đội đã ghé vào miếu thờ và làm lễ cầu Thánh Gióng với mong muốn thắng lợi, đem lại bình yên cho nhân dân. Và sau đó, nhân dân ta đã giành thắng lợi. Để bày tỏ lòng biết ơn, vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng lại miếu thờ uy nghi và tráng lệ hơn trước đây.Trải qua quá trình tu sửa cùng xây dựng, hiện nay Đền Gióng gồm có: Đền Mẫu, Đền Trình, Đền Thượng, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, Hòn đá Trồng, Tượng đài Thánh Gióng cùng rất nhiều bia đá.

Những xã/phường khác