Lịch sử
Nam Sơn là một xã nằm ở phía tây bắc huyện Sóc Sơn. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, với địa thế chiến lược, Nam Sơn nhiều lần được chọn làm căn cứ cách mạng. Vào đầu thế kỷ XX, đội Lương cùng đội Huân đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và dây dựng căn cứ cách mạng ở thôn Xuân Bảng, Nam Sơn.
Từ khi Đảng Cộng sản ra đời, phong trào đấu tranh tại Nam Sơn từng bước có những chuyển biến quan trọng, vào năm 1933 đã xuất hiện tổ chức Nông hội cùng tờ báo “Tia sáng”. Năm 1942, chi bộ Xuân Bảng đã ra đời với 3 đảng viên, góp phần củng cố hơn nữa hoạt động cách mạng tại địa phương. Cùng nhân dân cả nước, nhân dân Nam Sơn hăng hái tham gia Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền và bước vào giai đoạn mới trong lịch sử địa phương. Trải qua nhiều thời kì khác nhau như kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), kháng chiến chiến chống Mỹ (1954 - 1975), giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Nam Sơn luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao. Nhân dân Nam Sơn hăng hái tòng quân, góp sức mình vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
1. Giới thiệu xã Nam Sơn
Nam Sơn là vùng trung du, nhiều đồi núi, thuận lợi cho việc phát triển các cây công nghiệp dài ngày. Đặc biệt đây là vùng đất thích hợp trồng cây chè với mô hình kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, đất đai tại đấy rất dễ bị xói mòn và bạc màu, chủ yếu là do địa hình thoải dốc cộng với kết cấu ruộng bậc thang dễ làm rửa trôi chất dinh dưỡng trên bề mặt.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, xã Nam Sơn gồm làng Xuân Bảng và 14 ấp khác thuộc đồn điền của các địa chủ. Sau ngày giải phóng, xã được chia làm 5 khu hành chính lâm thời và đến năm 1946 thì Xuân Bảng lại thuộc về xã Kỳ Sơn. Sau thời gian chia cắt, năm 1955, xã Nam Sơn được hình thành với địa giới như ngày nay. Xã có 6 thôn: Xuân Bảng, Liên Xuân, Hoa Sơn, Thanh Hà, Đông Hạ và Xuân Thịnh với tổng diện tích là 2.935 ha.
2. Vị trí địa lý
Xã Nam Sơn có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp xã Phù Linh và xã Hồng Kỳ
- Phía tây và tây nam giáp các xã Minh Trí và Minh Phú
- Phía nam giáp xã Quang Tiến và xã Hiền Ninh
- Phía bắc giáp xã Bắc Sơn

Bản đồ xã Nam Sơn
3. Diện tích và dân số
Diện tích của xã Nam Sơn là 29.35 km².
Năm 2012, dân số của xã là 9,027 người, mật độ dân số là 308 người/km².
4. Giao thông
Xã Nam Sơn có tỉnh lộ 35 (nối liền với quốc lộ 2 và quốc lộ 3) chạy qua địa bàn xã.
5. Văn hóa - Xã hội
Hệ thống di tích tại Nam Sơn khá đồ sộ với tổng cộng 21 di tích các loại, gắn liền với các lễ hội truyền thống đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Vào ngày 11 đến 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, theo phong tục từ xưa, nhân dân Nam Sơn sẽ tham gia tổ chức lễ hội Đền Hạ Mã, đánh dấu điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Bên cạnh đó, Nam Sơn cũng có hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ với 6/6 nhà văn hóa tại các thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Năm 2002, thôn Xuân Bản được công nhận là thông văn hóa cấp huyện.