THÔNG TIN KHU VỰC Thị trấn Yên Viên, Huyện Gia Lâm


1. Giới thiệu về Thị trấn Yên Viên

Thị trấn Yên Viên nằm ở phía Đông bắc Thủ đô Hà Nội trải dài trên quốc lộ 1A và một phần thuộc quốc lộ 3. 

Từ xa xưa, thị trấn Yên Viên vốn là làng Việt cổ. Thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên vốn "là cây một gốc, là con một nhà". Là nơi hội tụ giữa cư dân đã sinh sống lâu đời và cư dân từ nhiều nơi khác đến định cư nên thị trấn Yên Viên sớm hình thành truyền thống văn hóa, vừa mang đặc trưng bản sắc văn hóa Kinh Bắc pha trộn với văn hóa Kinh kỳ. Tháng 2 năm 1959 Thị trấn Viên Viên được tách thành đơn vị hành chính độc lập.

Hiện trên địa bàn thị trấn Yên Viên có nhiều cơ sở kinh tế quan trọng như: ga Yên Viên, nhiều cơ quan, công ty, xí nghiệp, trường học. Thị trấn Yên Viên là cửa ngõ quan trọng, là chiếc cầu nối từ Hà Nội đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao bằng….

2. Vị trí địa lý

Thị trấn nằm ở bờ bắc sông Đuống, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 11km, có vị trí địa lý:

  • Phía Đông giáp xã Yên Viên và xã Đình Xuyên
  • Phía Tây giáp huyện Đông Anh và xã Yên Viên
  • Phía Nam giáp quận Long Biên với ranh giới là sông Đuống
  • Phía Bắc giáp xã Yên Viên.

Bản đồ Thị trấn Yên Viên

Bản đồ Thị trấn Yên Viên

3. Diện tích và dân số

Thị trấn Yên Viên có diện tích là 0,96 km², dân số năm 2022 là 13.171 người, mật độ dân số đạt 13.719 người/km².

4. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội

Nét đặc trưng về phố và ngành nghề

Nghề chính của người dân thị trấn Yên Viên từ trước tới nay là hoạt động thương mại, dịch vụ tập trung vào các điểm buôn bán chính như: chợ Vân, phố Ga, phố Vân, phố Thái Bình, phố Đuống.

Chợ Vân được hình thành từ xa xưa, đến năm 1924, chợ chuyển đến địa điểm cạnh đường quốc lộ 1, cách ga Yên Viên khoảng 200m. Chợ chủ yếu bán các hàng nông sản và thủ công. Chợ có vị trí thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa về bán tại chợ và vận chuyển hàng hóa đi các nơi khác. Phố Vân nằm dọc hai bên quốc lộ 1 và đường vào chợ Vân. Dân cư là người thôn Vân và các nơi khác đến làm ăn.

Phố Ga Yên viên, vốn thuộc thôn Kim Quan Đông, hình thành phố từ khi có đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn - Lào Cai. Cư dân sinh sống chủ yếu là người dân thôn Kim Quan Đông và những người từ nơi khác đến cư trú buôn bán nhỏ. Dưới thời thuộc Pháp tại phố ga xây dựng một rạp Tuồng với vài trăm chỗ ngồi. Tại phố này và phố Vân còn có hàng chục nhà hát cô đầu.

Phố Thái Bình, hình thành từ những năm 1931 - 1932, nằm dọc quốc lộ 1, phố này ít cửa hàng buôn bán, chủ yếu là gia đình viên chức, giáo chức, cán bộ nghỉ hưu, thợ thủ công và thợ sửa chữa.

Phố Đuống xưa là phố Tiểu Lâm chạy dài từ đầu cầu bờ bắc sông Đuống theo đường số 1 đến dọc đê tả ngạn sông Đuống. Phố Đuống được hình thành từ đầu năm 20 thế kỷ XX, hiện có bến cảng sông hoạt động giao thương tấp nập.

Truyền thống cách mạng

Ngay từ tháng 8/1929, thực hiện chủ trương "Vô sản hóa" tại nhà máy gạch Cầu Đuống ( thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên) đã có những hội viên ưu tú của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lập chi bộ Đảng tại nhà máy lãnh đạo, vận động công nhân tham gia tổ chức công hội. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, kêu gọi mọi người theo Đảng làm cách mạng tham gia giành chính quyền vào ngày 22/8/1945.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và chiến tranh chống giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, vì là một trong những đầu mối giao thông, kinh tế quan trọng nằm ở cửa ngõ của Thủ đô nên thị trấn Yên Viên là một trong những trọng điểm càn quét của giặc Pháp và đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ. Vượt lên trên mọi đau thương, mất mát, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Yên Viên đã đoàn kết thực hiện khẩu hiệu: "một người làm việc bằng hai", vừa tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Ngay từ cuối năm 1966, toàn thị trấn đã đào 6.600 hầm trú ẩn các loại, làm thêm 2 giao thông hào chữ chi dài 600m giúp cho hành khách ở ga Yên Viên trú ẩn khi có báo động, đã góp trên 1500 ngày công đào đắp 2000m2 xây dựng các trận địa pháo.

Trong những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, thị trấn Yên Viên đã hứng chịu các đợt oanh kích ác liệt, song với tinh thần: "Giặc phá ta sửa, ta đi", "xe chưa qua thì nhà không tiếc", cán bộ và nhân dân thị trấn Yên Viên đã không tiếc công sức, máu xương, tiền của cùng nhân dân miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung làm nên kỳ tích "Điện biên phủ trên không" và Đại thắng mùa xuân 1975 vĩ đại.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thị trấn Yên Viên có một cán bộ tiền khởi nghĩa, 4 lão thành cách mạng, 2 gia đình có công với nước, có 65 người là liệt sỹ.

Thành tựu trong thời kỳ đổi mới

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với sự đầu tư của Nhà nước, cộng với phát huy nội lực, thị trấn Yên Viên tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng Đô thị bền vững. Hiện tại 3 trường Tiểu học, THCS, Mầm non và trạm Y tế của thị trấn Yên Viên đã xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Năm 2009, 2010, Thị trấn đã vận động các hộ dọc theo tuyến quốc lộ 1A hiến đất làm vỉa hè xây dựng tuyến phố văn minh góp phần làm thay đổi diện mạo thị trấn.

Về phát triển kinh tế, chính quyền và các thể tập trung khai thác các nguồn vốn cho nhân dân và các hộ vay để phát triển các ngành, nghề và các loại hình kinh doanh, dịch vụ. Đến nay đời sống các hộ dân trên địa bàn ổn định, đa phần được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,5%. Nhiều năm liền thị trấn Yên Viên là điểm sáng của huyện và thành phố về công tác thu thuế, sự nghiệp Giáo dục, Y tế, DS-KHHGĐ, TDTT,....

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện

Đảng bộ thị trấn Yên Viên hiện có 465 đảng viên sinh hoạt tại 14 chi bộ. Phân loại hàng năm có từ 85 đến 93% đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, có từ 12 đến 13 chi bộ đạt chi bộ Trong sạch vững mạnh. Đảng bộ nhiều năm liên tục đạt danh hiệu: Tổ chức cơ sở đảng Trong sạch vững mạnh.

Các đoàn thể hoạt động tương đối đồng đều, được xếp trong top đầu của huyện.

Với những thành tích đã đạt được, cán bộ và nhân dân thị trấn Yên Viên đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì và hạng ba, cùng cờ đơn vị thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

5. Giao thông

Các tuyến đường và khung giá đất

Thị trấn Yên Viên có quốc lộ 1 cũ chạy qua và là điểm đầu của tuyến quốc lộ 3. Các đường phố trên địa bàn thị trấn là đường Hà Huy Tập, đường Đình Xuyên, đường Thiên Đức và phố Phan Đăng Lưu.

+ Hà Huy Tập - Đất ở đô thị - giá từ 9,8 triệu/m2 đến 23,1 triệu/m2

+ Đình Xuyên - Đất ở đô thị - giá từ 7,1 triệu/m2 đến 14,3 triệu/m2

+ Thiên Đức - Đất ở đô thị - giá từ 7,1 triệu/m2 đến 14,3 triệu/m2

+ Phan Đăng Lưu - Đất ở đô thị - giá từ 7,1 triệu/m2 đến 14,3 triệu/m2.

Những xã/phường khác