THÔNG TIN KHU VỰC Xã Liên Ninh, Huyện Thanh Trì
1. Giới thiệu về xã Liên Ninh
Liên Ninh là một xã thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Lịch sử hình thành
Trong kháng chiến chống Pháp, các làng Yên Phú, Thọ Am, Nhị Châu, Phương Nhị nhập lại thành một xã mang tên Liên Ninh. Hòa bình lập lại, xã Liên Ninh thuộc huyện Thanh Trì, đến năm 1961, xã được cắt về huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (năm 1965 là tỉnh Hà Tây, năm 1975 là tỉnh Hà Sơn Bình). Đến đầu năm 1979, xã Liên Ninh được cắt về huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Làng Yên Phú
Yên Phú cổ xưa có tên là làng Tráng, đầu thế kỷ XIX, là một xã thuộc tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, sau đổi thành tỉnh Hà Đông).
Yên Phú nằm ven Quốc lộ 1, có sông Kim Ngưu chảy qua nên rất tiện cho giao lưu hàng hóa. Đây là một làng cổ, hình thành từ thuở các Vua Hùng dựng nước.
Dân làng Yên Phú trước đây làm ruộng kết hợp với buôn bán. Ruộng đất trong làng hầu hết là ruộng công, 6 năm chia lại một lần, vào ngày mồng 7 tháng Giêng, mỗi suất đinh được 2 sào (các cụ từ 60 tuổi trở lên được 2 sào 5 thước).
Làng Yên Phú là quê hương của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932). Xuất thân trong một gia đình nông dân, ông học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, ra Hà Nội làm thư ký cho các hãng buôn, tiếp thu dần các kinh nghiệm quản lý của người Pháp, rồi đứng ra làm đại lý cung cấp gỗ cho Sở Hỏa Xa, sau đó chuyển sang kinh doanh vận tải trên các sông ở miền Bắc, ra cả biển và vươn tới cả Sài Gòn, Hông Kông. Ông còn đầu tư vào ngành khai thác mỏ lúc đó là độc quyền của tư bản Pháp và kinh doanh cả bất động sản, thành lập nhà in Đông Kinh ấn quán, xuất bản tờ báo Khai hóa nhằm góp phần mở mang dân trí, cổ động cho phong trào đi vào kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của giới công thương dân tộc. Ông là biểu tượng cho khát vọng vươn lên làm giàu, chấn hưng nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh.
Làng Thọ Am
Làng Thọ Am xưa có nghề làm dây thừng, còn làng Nội Am - Om dưới - có nghề làm bánh mứt kẹo. Đây là khu vực xung quanh làng Lộ - nơi có đền Đại Lộ khá nổi tiếng. Ngoài ra còn có chùa Thọ am hay chùa Bất nhiễm.
Làng Thọ Am thờ hai vị Thành Hoàng làng là Tướng quân Đoàn Thượng ở miếu Thọ Am và Quan nghè Nguyễn Phục ở đình Thọ Am. Đoàn Thượng là dũng tướng rất trung thành với Triều Lý. Khi Lý Chiêu Hoàng thoái vị, nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Đoàn Thượng không quy phục Triều Trần, chống lại việc sát hại con cháu Nhà Lý. Trần Thủ Độ thấy ông là bậc anh hùng liền sai người mang tiền bạc, chức tước tới để thu phục. Ông không màng, quyết giữ đất Hồng Châu, xây thành đắp luỹ, thu mua lương thực phát cho người nghèo, nên được lòng dân chúng trong vùng. Số người đầu quân cho ông chống lại nhà Trần, mong muốn khôi phục Triều Lý ngày càng đông. Năm 1228, ông bị quân của Trần Thủ Độ đánh bại và hy sinh. Nhân dân tiếc thương lập miếu thờ ở Thọ Am để tưởng nhớ đến công lao của ông.
Tất cả các làng trong khu vực này (Thọ Am, Nội Am, Tương Trúc, Tự Khoát, Đông Phù thuộc Đông Mỹ, Lộ, Sở Hạ thuộc Ninh Sỏ Thường Tín...) tổ chức lễ hội cùng trong khoảng từ mồng 7-10 tháng 2 âm lịch hàng năm
2. Vị trí địa lý
Xã Liên Ninh nằm ở phía nam huyện Thanh Trì. Ranh giới hành chính như sau:
- Phía đông giáp xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì;
- Phía nam giáp các xã Duyên Thái và Nhị Khê, huyện Thường Tín;
- Phía tây giáp xã Nhị Khê, huyện Thường Tín và xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì;
- Phía bắc giáp các xã Ngọc Hồi và Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Bản đồ xã Liên Ninh, Thanh Trì
3. Diện tích và dân số
Xã Liên Ninh có tổng diện tích đất tự nhiên là 4,24 km², dân số năm 1999 là 6.328 người, mật độ dân số đạt 714 người/km².
4. Giao thông
Xã nằm ở một vị trí có mạng lưới giao thông rất thuận lợi khi có hai tuyến giao thông lớn là Quốc lộ 1A và CT01 (Pháp Vân Cầu Giẽ) chạy song song trên địa bàn. Hiện nay đường cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ (CT01) chạy qua xã Liên ninh và làm thành ranh giới một bên là làng Thọ am, Nội am; một bên là làng Phương Nhị và Yên Phú. Còn tuyến đường Quốc lộ 1A từng được biết đến là quốc lộ 1, đường 1, đường cái quan, đường thiên lý hay đường xuyên Việt là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam.