THÔNG TIN KHU VỰC Xã Thượng Lâm, Huyện Mỹ Đức
Lịch sử
Thượng Lâm là một xã đầu thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam thượng, phủ Ứng Thiên, huyện Chương Đức, tổng Viên Nội; sau thuộc Hà Đông tỉnh, Mỹ Đức phủ. Thời gian sau phát triển thành 3 thôn: Hoành, Thượng, Liên Trì. Từ năm 1953, thôn Hoành tách ra để lập xã Đồng Tâm, xã Thượng Lâm còn lại 2 thôn.
1. Giới thiệu về xã Thượng Lâm
Xã Thượng Lâm là một trong 22 xã, Thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là xã đầu huyện Mỹ Đức, cách chùa Hương 32km, là vùng đất bán sơn địa, với nhiều cảnh vật phong phú. Có núi non, hồ, rừng. Nghề chính ở đây là thêu, đan, cơ khí, mộc, chăn nuôi…
Dân số 1781 hộ gia đình với 6.700 nhân khẩu, được chia thành 5 thôn: Trì, Thượng, Trung, Nội, Phượng. Hoạt động tôn giáo có một Đình, một Chùa, một nhà thờ chính.
2. Vị trí địa lý
Xã Thượng Lâm có địa giới hành chính như sau:
- Phía Bắc giáp xã Đồng Tâm
- Phía Nam giáp xã Tuy Lai
- Phía Đông giáp xã Mỹ Thành
- Phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Bản đồ xã Thượng Lâm
3. Diện tích và dân số
Xã có diện tích 6,27 km², dân số năm 2016 là 6.111 người, mật độ dân số đạt 975 người/km².
4. Đình Thượng Lâm
Đình làng Thượng Lâm được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Đình là nơi lưu giữ nhiều sắc phong về các vị anh hùng dân tộc như Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Uy Đức Đại Vương, Vĩnh Hoa Công chúa, Quá Hải Đại Vương.
Trống đồng xuất hiện từ thời cổ đại phân bố cả vùng Đông Nam Á cổ, được coi đó là vật linh để thờ cúng. Ở Việt Nam, từ thời trước nhà Đinh, đã có đền thờ thần Đồng Cổ ở Thanh Hoá, cho nên vua Đinh Tiên Hoàng mới tặng thần Đồng Cổ cho làng Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ để thờ trong đình làm Thành hoàng làng.
Những ghi chép về trống đồng cổ trong sử sách Việt Nam còn lại rất ít, và thật ra cũng chỉ xoay quanh hai chiếc trống mà thôi. Trống Đan Nê đã được các sách nhắc đến: Việt Điện U linh, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam Nhất thống Chí. Một chiếc khác có khả năng là trống Miếu Môn I, đã được ghi nhận trong thần tích của làng Thượng Lâm, do Đinh Tiên Hoàng ban thưởng để làm trống thờ.
Bài văn của đền thờ thần Cao Sơn và Quý Minh tại trang Thượng Lâm, huyện Chương Đức: Đền Thượng Lâm xưa vốn có chiếc trống đồng, tương truyền là chiến lợi phẩm của Đinh Tiên Hoàng thu được khi đánh dẹp các sứ quân, sau đem tặng vào đền thờ để báo đáp công của thần đã giải vây cho mình trong một trận đánh. Đến thời Lê, nhà Mạc nổi lên cướp ngôi, các quan triều đình là Uy Quốc Công Nguyễn Bá Lân, An Hoà Hầu Nguyễn Hoàng Dụ và đại tướng quân Nguyên Văn Lữ vâng mệnh đi đánh dẹp, đem quân qua đền, vào cầu khấn xin thần giúp đỡ phù hộ, quả được ứng nghiệm. Đến năm vua mới lên ngôi, sai ba vị trên mang sắc phong tặng về Chương Đức. Ba vị bèn cúng tiến chiêng, trống, đồ thờ vào đền, lại cử quan Bộ Lễ là Lê Tung soạn văn tế.
5. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thượng Lâm đã phát huy ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để góp phần xây dựng xã Thượng Lâm ngày càng giàu đẹp và phát triển. Đời sống nhân dân ổn định, phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nội lực của nhân dân được khơi dậy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động văn hóa - xã hội được tổ chức thường niên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo Đảng, Chính quyền ngày càng được củng cố.
Bên cạnh đó công tác chăm lo giải quyết, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến gia đình chính sách, người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên được quan tâm, duy trì. Công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện các quy định trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường được thường xuyên thực hiện.
Được sự quan tâm của cấp Thành phố, huyện, trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã; trạm Y tế; Nhà văn hóa các thôn; nghĩa trang liệt sỹ; hệ thống đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ, khang trang. Các trường học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Xã Thượng Lâm cũng là một trong những xã đi đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính. Cải cách hành chính được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đến nay hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính đã đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu giải quyết Thủ tục hành chính của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Mỹ Đức và sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã nhà trong năm 2019 xã Thượng Lâm đã được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời đạt được nhiều thành tích xuất sắc và đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng của các cấp đối với tập thể và nhiều cá nhân.
6. Giao thông
Gần địa giới xã có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua như: Tỉnh lộ 419, Tỉnh lộ 429. Ngoài ra, từ trung tâm xã Thượng Lâm tới Quốc lộ 21A (tuyến quốc lộ nối liền Thủ đô Hà Nội với hai tỉnh Hà Nam và Nam Định) cách khoảng 7km; tới Quốc lộ 21B (tuyến quốc lộ kết nối các đô thị lớn như Hà Đông - Phủ Lý - Nam Định) khoảng 14km.