THÔNG TIN KHU VỰC Xã Lê Thanh, Huyện Mỹ Đức


1. Giới thiệu về xã Lê Thanh

Lê Thanh là một xã thuần nông, nằm ven dòng sông Đáy, phía Bắc của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Xã nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km về phía Tây Nam, cách thị trấn Đại Nghĩa 6km. Tỉnh lộ 419 chạy qua phía Tây của xã. 

Thu nhập chính của xã là từ sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 3.268 hộ dân với 13.497 nhân khẩu. Xã hiện có 4 thôn gồm Lê Xá, Đức Thụ, Áng Thượng và Áng Hạ (Trong thôn Đức Thụ có xóm Hoan Hợp, đôi khi cũng được coi như một làng) đều được công nhận làng văn hóa (đạt 100%); trên địa bàn có 02 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Thiên Chúa giáo chiếm 6,5% dân số trên địa bàn.

Xã có nhiều chợ. Chợ Lai và chợ Thụ đã nhập làm một, phiên chính họp các ngày 2, 5, 7, 10 âm lịch. Ngoài ra còn có chợ Áng, chợ Cổng Rô.

2. Vị trí địa lý

  • Phía Bắc giáp xã An Mỹ
  • Phía Tây Bắc giáp xã Hồng Sơn
  • Phía Tây giáp xã Hợp Tiến
  • Phía Nam giáp xã Xuy Xá
  • Phía Đông giáp sông Đáy (bên kia sông là xã Sơn Công và Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa).

Bản đồ xã Lê Thanh

Bản đồ xã Lê Thanh

3. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội

Lao động trong độ tuổi chiếm 60,2% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 40,1%; Lao động ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ thương mại chiếm 59,9%. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 là 634 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,68%. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế 88,47%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 7,98%; Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó có 84% hộ dân sử dụng nước sạch).

Đảng bộ xã có 11 Chi bộ với 378 đảng viên. Đảng bộ được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã cơ bản được ổn định, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đến nay xã Lê Thanh đã đạt 12/19 tiêu chí, bao gồm: Quy hoạch, Thủy lợi, Điện, Cơ sở hạ tầng thương mại, Thông tin - truyền thông, Nhà ở dân cư, Hộ nghèo, Lao động việc làm, Giáo dục, Văn hóa, Y tế, Quốc phòng - An ninh. Tiêu chí cơ bản đạt là 05/19 tiêu chí, bao gồm: Giao thông, Môi trường - An toàn thực phẩm; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Tổ chức sản xuất, Thu nhập. Tiêu chí chưa đạt là 02/19 tiêu chí, bao gồm: Trường học và Cơ sở vật chất văn hóa.

Xã Lê Thanh có 5 trường học (02 trường Mầm non, 02 trường Tiểu học, 01 trường THCS), cơ sở vật chất của các trường học chưa đạt chuẩn. Hiện nay, trường Mầm non A, trường Tiểu học A đang được đầu tư xây dựng; trường THCS, Tiểu học B, Mầm non B cần được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Nhà văn hóa xã hiện nay đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng; Nhà văn hóa thôn Áng Thượng và thôn Áng Hạ đang được đầu tư xây dựng; Nhà văn hóa thôn Đức Thụ, thôn Lê Xá đã được đầu tư xây dựng, xong diện tích nhỏ hẹp, đã xuống cấp không sử dụng được. Cần được đầu tư xây dựng mới và đầu tư trang thiết bị, các thiết chế văn hóa.

4. Thắng cảnh - Du lịch

Xã Lê Thanh nằm ở bên cạnh sông Đáy thơ mộng, với nhiều đền chùa của các thôn. Lễ hội của các thôn được tổ chức vào tháng giêng và tháng hai âm lịch hàng năm.

Xã Lê Thanh nằm khá gần điểm du lịch Quan Sơn (Hợp Tiến), Chùa Cao (Hồng Sơn). Bãi vải Áng từng là một địa danh được nhiều người biết đến, trồng rất nhiều cây vải chua cổ thụ, hiện nay chỉ còn lại rất ít.

Trên đất của thôn Đức Thụ từng có tư dinh của Quan bố chánh tỉnh Hà Đông, Nguyễn Trọng Khôi (1881 - 1940), sau năm 1955 được Nhà nước sử dụng làm trường bổ túc, trường Đảng, Ủy ban hành chính xã, nay là cơ sở 2 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Đức.

Lê Thanh có hệ sinh thái đầm Lai trước đây rất rộng, nhiều sen, nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Hiện nay, đầm Lai được giao cho các hộ gia đình làm kinh tế trang trại.

5. Giao thông

Hiện trạng hệ thống đường giao thông, đường liên thôn của xã là 5,9 km đã được đầu tư xây dựng từ những năm 2002, xong mặt đường hẹp, một số đoạn đã xuống cấp, cần cải tạo đầu tư nâng cấp. Hiện trạng hệ thống đường giao thông ngõ xóm của xã là 7km, cơ bản đã được nhân dân đóng góp cứng hóa bằng bê tông và vôi sỉ, xong rãnh hai bên hở, xuống cấp, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp. Hệ thống đường giao thông khu dãn dân với tổng chiều dài 2km (hiện trạng chưa có đường, đã giao chia đất cho các hộ từ những năm 2001, cần được đầu tư xây dựng mới). Hệ thống đường giao thông trục chính nội đồng của xã là 10km, hiện trạng chủ yếu là đường đất, cần được cải tạo và nâng cấp.

Trên địa bàn xã có tuyến giao thông quan trọng là Tỉnh lộ 419. Bên cạnh đó, từ trung tâm xã Lê Thanh tới Quốc lộ 21A (tuyến quốc lộ nối liền Thủ đô Hà Nội với hai tỉnh Hà Nam và Nam Định) và đường Hồ Chí Minh (tuyến giao thông huyết mạch, chạy từ Bắc vào Nam Việt Nam) cách khoảng 10km; tới Quốc lộ 21B (tuyến quốc lộ kết nối các đô thị lớn như Hà Đông - Phủ Lý - Nam Định) khoảng 8km.

Những xã/phường khác