THÔNG TIN KHU VỰC Xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức
1. Giới thiệu về xã Hương Sơn
Hương Sơn là một xã nằm ở phía Tây Nam huyện Mỹ Đức và là xã cực nam của Hà Nội. Là một xã bán sơn địa chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi Tây Bắc, địa hình xã có hai dạng địa hình là đồng bằng ở phía Bắc và núi đá vôi ở phía Tây và Nam.
Xã Hương Sơn gồm các thôn: Hội Xá, Yến Vĩ, Đục Khê, Tiên Mai, Phú Yên, Hà Đoạn.
2. Vị trí địa lý
Xã có vị trí, giới hạn:
- Phía Bắc giáp với xã Đốc Tín, xã Hùng Tiến và xã An Tiến
- Phía Tây giáp với xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã An Phú
- Phía Nam giáp với thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Phía Đông giáp với xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa.
Bản đồ xã Hương Sơn
3. Diện tích và dân số
Xã có diện tích 40,71 km², dân số năm 1999 là 17.598 người, mật độ dân số đạt 432 người/km².
4. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Thực hiện Nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2018, xã Hương Sơn đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; Vào sản xuất tổ chức cấy hết diện tích, chăm sóc cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, đời sống của người dân được nâng cao.
Tổng diện tích cây lúa chiêm xuân là 595,46 ha, chủ yếu là các giống lúa: lúa Lai, lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa Thuần mới, lúa Khang dân… Năng suất bình quân ước đạt 72,55 tạ/ha; Sản lượng ước đạt 4.319,88 tấn, tăng 122,46 tấn so với cùng kỳ năm 2017; Đạt 105,1 % kế hoạch năm. Tổng diện tích cây dâu trong toàn xã là 10 ha; Sản lượng kén ước đạt 0,7 tạ/ha = 0,7 tấn. Cây màu và rau các loại là 70,47 ha.
Về chăn nuôi, toàn xã có 20 trang trai và 159 gia trại (chăn nuôi gia súc, gia cầm). Trong 6 tháng đầu năm 2018, xã Hương Sơn có tổng đàn Trâu, Bò là 402 con; đàn Lợn 12.526 con; đàn Gia cầm 55.416 con; đàn Dê 1.358 con; đàn Chó trên 610 con; Diện tích nuôi trồng thủy sản là 271,9 ha. Hướng phát triển trọng tâm của xã là trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi Trâu, Bò; Lợn hướng nạc; Gà, Vịt siêu thịt, siêu trứng. Tổng giá trị trồng trọt, chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt trên 88,6 tỷ đồng; Tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 8%, đạt 63% kế hoạch năm.
Về công tác thú y trong 6 tháng đầu năm 2018, xã Hương Sơn đã tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó; tiêm phòng dịch cúm H5N1, dịch tả vịt, niucatxơn, tụ huyết trùng,.. cho đàn gia cầm; tiêm phòng cho đàn Trâu, Bò; tiêm phòng bệnh dịch tả, thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… cho đàn lợn. Vệ sinh tiêu độc trong toàn xã 03 đợt với 528.000m2 bề mặt. Công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y được tiến hành thường xuyên. Duy trì việc kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong mùa lễ hội và hàng ngày tại chợ Đục; lấy mẫu thực phẩm tại chợ để kiểm tra sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đối với công tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp luôn được động viên, khuyến khích phát triển, như ngành nghề: Mộc; xây dựng các công trình dân dụng, gò, hàn, xay xát, may đo và may gia công, vận tải nguyên vật liệu và chế biến nông sản chủ yếu với quy mô vừa và nhỏ.
UBND xã đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, xóm để triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của luật giao thông đường thủy nội địa, các quy định của Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2018. Thực hiện tốt nếp sống, ứng xử văn hóa, văn minh du lịch. Các phương tiện tham gia chở khách đã đăng ký và được gắn biển số. Thuyền, đò được sơn màu xanh thân thiện môi trường; trên thuyền có giỏ đựng rác, có phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh. Các phương tiện không chở quá đầy để đảm bảo an toàn cho người trên thuyền. Lái đò và du khách thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, không vứt rác xuống suối. Tổng số phương tiện đã đăng ký và gắn biển số được 3.612 phương tiện; Trang bị dụng cụ nổi cứu sinh là 8.400 chiếc.
Việc quy hoạch mặt bằng các dịch vụ, các điểm kinh doanh được đảm bảo thông thoáng, không lấn chiếm lòng đường, không lợp mái che, mái vẩy che lấp cảnh quan. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Không treo móc thịt động vật trước cửa hàng gây phản cảm. Không đổi tiền lẻ. Công tác thanh toán trả công lái đò được nhanh gọn, thuận tiện, giảm thiểu thủ tục, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nghiêm cấm các phương tiện có gắn động cơ chuyên chở khách tham quan du lịch.
Với lợi thế có khu di tích và danh thắng chùa Hương, xã Hương Sơn phát triển đa dạng có loại hình dịch vụ, kinh doanh phục vụ khách du lịch, trẩy hội như: nhà nghỉ, nhà hàng, phục vụ ăn uống, vệ sinh, gửi xe, lái đò, bán đồ nông sản, đồ lưu niệm... Cụm danh thắng chùa Hương có vai trò lớn trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế của xã, đưa Hương Sơn cùng với Phùng Xá vào nhóm hai xã phát triển nhanh, kinh tế hộ gia đình vững nhất huyện Mỹ Đức.
Lượng khách về tham quan Lễ hội Chùa Hương năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đối với tuyến Hương Tích, quản lý từ ngày 01/01/2018 đến ngày 10/5/2018 là 1.393.519 lượt người; trong đó khách nước ngoài là 7.891 lượt người. Tuyến Tuyết Sơn là 21.810 lượt người. Thu nhập dịch vụ du lịch và thu nhập khác đạt 509,53 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 69,55 tỷ đồng, đạt 83,12 % kế hoạch năm. Tổng thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch và thu nhập khác là 672,36 tỷ đồng, tăng 15,52 % so với cùng kỳ năm 2017, đạt 83 % kế hoạch năm.
Công tác đầu tư xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Đã tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình đã hoàn thành, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đẩy nhanh tiến độ về kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho nhân dân, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai.
Hoạt động văn hóa xã hội được quan tâm. Đầu năm 2018 đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, làng văn hóa, các thôn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa phấn đấu cuối năm 2018 đạt trên 91% gia đình văn hóa. Giữ vững danh hiệu làng văn hóa 6 thôn. UBND xã đã phối hợp với các nhà trường xây dựng kế hoạch tu sửa trường lớp đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy và học, phát huy vai trò hoạt động của Hội đồng giáo dục, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Trạm y tế xã đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia.
5. Di tích
Hương Sơn gồm một hệ thống di tích thứ tự từ suối Yến vào là: đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên, đền Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích. Nhánh chùa Tuyết Sơn, chùa Thanh Sơn, Hương Đài, chùa Long Vân, động Hinh Bồng... Các di tích này thuộc quần thể di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương). Lễ hội chùa Hương được mở vào ba tháng mùa xuân đây là một trong những lễ hội có lượng người đến hành hương và vãn cảnh lớn nhất miền Bắc.
Suối Yến
Trong thắng cảnh Hương Sơn, các dòng suối và núi non ở đây đã tạo nên cảnh “sơn thuỷ hữu tình” như mộng, như mơ, đặc biệt là suối Yến. Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà, buông thả giữa hai triền núi. Ðường suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận. Vào mùa lễ hội, dòng suối hiền hoà bỗng sôi động hẳn lên, bởi những con thuyền thoi thong thả chở khách vào vãn cảnh đẹp và lễ phật. Lên thuyền từ Bến Ðục, theo dòng suối Yến, du khách có thể thư thái thả hồn mình hòa quyện cùng thiên nhiên. Phía bên trái là núi Ðụn, trông tựa như một đụn thóc; gần núi Ðụn là núi Soi trông giống như một con kỳ lân nên còn gọi là núi Lân; cạnh núi Soi là núi Ái và núi Phượng đang dang rộng cánh (cánh là hai chỏm núi) mà đầu và mỏ Phượng là chùa và động Thanh Sơn; đi quá lên một chút là núi Ðổi Chèo giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước; gần đó là núi Bưng và núi Voi với những truyền thuyết thật thú vị vì Hương Sơn có tới chín chín ngọn núi quay đầu về động Hương Tích, riêng có một ngọn núi có hình dáng con voi quay đầu ra, quay mông vào. Giận quá, Hộ Pháp lấy gươm phạt vào một mảng mông của tên voi nên bây giờ núi Voi vẫn bị sạt mất một mảng; qua núi Voi, đến núi Mâm Xôi. Phía bên phải, từ ngoài vào là núi Ngũ Nhạc có Ðền Trình. Du khách dừng chân vài phút để ghé vào thắp hương, trình lễ với sơn thần. Ði tiếp là núi Dẹo, núi Phòng Sư, hang Sơn Thuỷ Hữu Tình, hang Trâu, Cầu Hội, Thung Dâu… Và chỗ cuối cùng của dòng suối Yến là rừng Vài và núi Nhà Lang Lão Tác. Từ điểm này du khách xuống thuyền và bắt đầu lựa chọn tuyến du lịch của mình.
Chùa Thiên Trù
Chùa còn có tên gọi là chùa Trò, trước đây chỉ là một thảo am nhỏ do Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Ðạo Viên Quang chân sáng lập. Trong kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại. Năm 1991, Tam bảo Thiên Trù được xây dựng lại to đẹp như ngày nay. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị Tổ sư quy tịch tại đây. Sau chùa, bên sườn núi còn có toà ” Thiên thuỷ tháp”, bên trái có chiếc hồ hình bán nguyệt.
Sau khi vào chùa lễ Phật, du khách nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục cuộc hành trình mới.
Chùa Tiên Sơn
Từ Thiên Trù (chùa Ngoài) rẽ phải, theo một con đường nhỏ men sườn núi lối đi vào chùa Trong, khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn. Chùa được dựng trên một ngọn núi cao. Chùa nhỏ, xinh, cổng tam quan vút cao như sắp bay lên. Chùa ở trong động gọi là động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Trong động có những nhũ đá rủ xuống với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có những nhũ đá khi gõ vào thì nổi lên tiếng tiêu thiền nhã nhạc du dương.
Chùa Giải Oan
Vẫn trên đường vào chùa Trong, rẽ tay trái là chùa Giải Oan. Chùa do Sư Tổ Thông Dụng huý Thám pháp danh Cương Trực đời thứ 2 khai sáng. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền, lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ bằng tre gỗ đơn sơ. Chùa đã qua trùng tu vào các năm 1928, 1937. Năm 1995, chùa được tu bổ thêm am Từ Vân, kè lại sân chùa.
Chùa là nơi thờ phụng đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Hiện nay am Từ Vân còn lưu giữ được pho tượng Tứ Tý Quan Âm được đúc vào thế kỷ 18. Trong chùa có giếng Thanh Trì trong suốt không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Chúa Ba (Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện) đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần ai, trước khi đi vào cõi phật. Từ đó giếng này được gọi là giếng Giải Oan, khách đi lễ thường múc nước nước uống để cầu mong giải thoát khỏi mọi nỗi oan ức trên đời.
Chùa Giải Oan có kiến trúc hài hoà, nằm giữa cảnh thiên nhiên thanh tao u tịch, càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, huyền bí. Du khách đến đây được uống dòng nước mát lạnh của giếng Thanh Trì, như quên đi những ưu tư của đời thường khi hành hương về cõi Phật.
Động Hương Tích
Từ chùa Giải Oan, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình khoảng 2,5km lên động vào chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Ðường lên động có nhiều chỗ quanh co, lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Càng gần tới động thì dốc càng cao. Lên tới bậc đá cao nhất đứng nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy một vòm hang rộng, sâu, hun hút trông giống như hàm của một con rồng, đó là động Hương Tích.
Qua cổng, đi xuống 120 bậc đá là vào tới lòng động. Ngay ở khoảng giữa, gần cửa ra, vào, có một nhũ đá gọi là “đụn gạo”. Ði sâu vào một chút có một lối lên Trời và một lối xuống âm phủ. Trong động, những măng đá, nhũ đá rủ xuống tạo thành muôn hình vạn dạng, người xưa thoả sức để đặt tên: nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu… Bên cạnh những công trình điêu khắc thiên nhiên còn có những công trình điêu khắc nhân tạo, giá trị nhất là pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn.
Hương Tích là một động đẹp nổi tiếng và đã được chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 17) tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động: “Nam Thiên đệ nhất động” (Ðộng đẹp nhất trời Nam).
*Tuyến Long Vân: Gồm có động và chùa Long Vân, động Tiên, động Người Xưa, chùa Cây Khế, Hinh Bồng Tự.
Chùa Long Vân
Sau khi vào đặt lễ ở đền Trình, xuống đò đi tiếp, du khách sẽ thấy dòng suối rẽ đôi, phía phải là đường vào Hương Tích, phía trái là đi vào động và chùa Long Vân.
Chùa nằm ở trên sườn núi, một nửa lấp sau núi Ân Sơn, một nửa lộ ra giữa rừng cây xanh biếc, mây trắng quấn quýt quanh năm. Chùa được xây dựng vào năm 1920. Ðộng Long Vân cũng được khai tạo vào thời gian này. Ðộng tuy nhỏ nhưng lam khói quanh năm nên lúc nào cũng tạo cho du khách cảm giác thần tiên thoát tục.
*Tuyến chùa Tuyết: Gồm có đền trình Phú Yên, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả, Bảo Ðài, đền Mẫu, đền Thượng, động Ngọc Long…
Chùa Tuyết Sơn
Sau khi vào chùa Thiên Trù, theo con đường nhỏ men sườn núi, rẽ trái, đi phía nam khoảng 4km là tới khu Tuyết Sơn. Ðây là một quần thể đẹp thứ hai sau động Hương Tích. Suối Tuyết tuy nhỏ nhưng nước trong xanh, uốn lượn quanh co như một con rồng đang bò sâu vào trong dãy núi cao chất ngất. Ðiểm dừng đầu tiên trong tour du lịch này là vào thắp hương, trình lễ ở đền Trình Phú Yên. Sau đó vào Bảo Ðài cổ sái để lễ phật, nghe kinh. Chùa Bảo Ðài có phong cảnh phong quang u tịch. Trong chùa có tòa Cửu Long có giá trị mỹ thuật khá cao.
Ði tiếp là đến động Ngọc Long. Ðộng Ngọc Long không rộng lắm nhưng có những nét đẹp độc đáo. Trong động, ánh sáng mờ ảo, nhũ đá, măng đá rủ xuống trông như những ổ rồng quấn quýt. Ðẹp nhất vẫn là pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tạc liền vào vách đá với vẻ mặt rất từ bi, nhân hậu.
6. Giao thông
- Đường bộ: các tuyến tỉnh lộ 419, 978...
- Đường sông: có tuyến sông Đáy. Ngoài ra đoạn đường sông (suối Yến) từ bến Đục Khê đến bến Thiên Trù được khai thác du lịch)
- Hệ thống xe buýt: 103A, 103B.