Bản đồ Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

avatar
By Bùi Việt Hà

10/04/2023

Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Cập nhật những thông tin mới nhất về bản đồ Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng một cách chi tiết và thông tin quy hoạch của Thành phố Đà Lạt. Chúng tôi Dân Đầu Tư hi vọng có thể giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích.

Xem thêm:

1. Giới thiệu về thành phố Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố khá đông dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên, hướng đến là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Vị trí địa lý

Thành phố Đà Lạt có diện tích 394,64 km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên, nơi có độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Thành phố có tọa độ địa lý 11°48′36″ đến 12°01′07″ vĩ độ bắc và 108°19′23″ đến 108°36′27″ kinh độ đông, cách Hà Nội 1.500 km và cách Đà Nẵng 658 km về phía nam.

Thành phố có vị trí địa lý:

  • Phía đông và đông nam của Thành phố Đà Lạt giáp huyện Đơn Dương
  • Phía tây của Thành phố Đà Lạt giáp huyện Lâm Hà
  • Phía nam của Thành phố Đà Lạt giáp huyện Đức Trọng
  • Phía bắc của Thành phố Đà Lạt giáp huyện Lạc Dương

Diện tích, dân số

Dân số Đà Lạt từ kết quả Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 226.578 người. Đây là đô thị miền núi đông dân đứng thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột.

Địa hình

Địa hình Đà Lạt được phân thành hai dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Địa hình núi phân bố xung quanh vùng cao nguyên trung tâm thành phố. Các dãy núi cao khoảng 1.700 mét tạo thành một vành đai chắn gió che cho khu vực lòng chảo trung tâm. Từ thành phố nhìn về hướng bắc, núi Langbiang như một tường thành theo hướng đông bắc – tây nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này có độ cao 2.167 mét và 2.064 mét. Án ngữ phía đông và đông nam Đà Lạt là hai dãy Bi Doup và Cho Proline. Về phía nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng bắc – nam với chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng khoảng 12 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là dinh Nguyễn Hữu Hào trong Bảo tàng Lâm Đồng với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

Trên địa phận thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có thể thấy hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4 km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Đây đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.

Khí hậu

Do nằm ở độ cao 1.500 mét và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh, nên đối lập với khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền trung và khí hậu nhiệt đới xavan ở miền nam, thành phố Đà Lạt có một khí hậu miền núi ôn hòa dịu mát quanh năm.

Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ hạ thấp về ban đêm và biên độ nhiệt lớn. Trong những tháng mùa mưa, gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt, thay thế bởi khối không khí xích đạo từ phía nam tràn lên phía bắc. Gió mùa tây nam mang lại nguồn ẩm chủ yếu cho những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày.

2. Bản đồ hành chính Thành Phố Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 12 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 4 xã: Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Thọ, Xuân Trường.

Bản đồ hành chính Thành phố Đà LạtBản đồ hành chính Thành phố Đà Lạt

3. Bản đồ giao thông Thành Phố Đà Lạt

Bản đồ giao thông Thành phố Đà LạtBản đồ giao thông Thành phố Đà Lạt

Quy hoạch phát triển giao thông Đà Lạt

  • Giao thông hàng không : Tiếp tục cải tạo nâng cấp cảng hàng không Liên Khương và sân bay quân sự cấp 2. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp sân bay Cam Ly nhằm phục vụ cho mục đích du lịch kết hợp quốc phòng khi cần thiết.
  • Giao thông đường sắt : Xây dựng, phục hồi lại tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, cải tạo, nâng cấp nhà ga Đà Lạt, Trại Mát và Đ’ran phục vụ du lịch và hoạt động của tuyến.
  • Giao thông đường bộ : Tiếp tục hoàn thiện, nối dài đường cao tốc Liên Khương – Prenn đến Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe (dự kiến triển khai xây dựng trước năm 2020). Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ như quốc lộ 20, quốc lộ 27, đường Trường Sơn Đông theo tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe. Đối với các đoạn qua đô thị sẽ mở rộng, nâng cấp theo cấp đường chính đô thị. Xây dựng mới đường vành đai thành phố Đà Lạt. Cải tạo nâng cấp tuyến đường tỉnh 723 đi Nha Trang thành quốc lộ. Cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ hiện hữu.
  • Đường vành đai : Quy hoạch đường vành đai ngoài của thành phố gồm các đoạn tuyến như sau: Đường Cam Ly – Ankoret – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Thánh Mẫu – Mai Anh Đào – đoạn mở mới đến đường tỉnh 723 – đường tỉnh 723 – Hùng Vương – tuyến mở mới phía Nam. Mặt cắt ngang tuyến vành đai tối thiểu 3 làn xe.

Trục chính đô thị bao gồm:

  • Các trục đường Hoàng Văn Thụ – Trần Phú – Trần Hưng Đạo – Hùng Vương; trục đường Nguyễn Công Trứ – Trần Nhân Tông – Nguyễn Đình Chiểu – Trần Quý Cáp; trục đường Nguyễn Văn Cừ – Yersin – Quang Trung – Phan Chu Trinh;
  • Các trục dọc bao gồm: Trục đường 3 tháng 4 – Hồ Tùng Mậu – Đinh Tiên Hoàng – Phù Đổng Thiên Vương; trục đường Trần Quốc Toản – Nguyên Tử Lực; trục đường Trần Lê – Ba tháng Hai – Phan Đình Phùng – Xô Viết Nghệ Tĩnh; trục đường Hồ Xuân Hương – Ngô Gia Tự.
  • Trục đường chính phía Đông: Từ đường Nguyễn Đình Chiểu dọc theo suối nối vào đường hiện hữu tới đường Mai Anh Đào.
  • Trục đường chính phía Tây: Từ đường Hoàng Văn Thụ đi theo đường Trần Văn Côi tới tỉnh lộ 722.

Các trục chính của thành phố Đà Lạt được cải tạo chỉnh trang đảm bảo phần xe chạy tối thiểu 3 – 4 làn xe, hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.

Đường khu đô thị : Các tuyến đường chính được cải tạo nâng cấp đối với các tuyến hiện hữu. Đối với các khu vực mới phát triển các tuyến đường chính khu vực sẽ xây dựng mới với mặt đường rộng tối thiểu từ 9 – 12 m, lộ giới từ 17 – 22 m.

4. Bản đồ vệ tinh Thành Phố Đà Lạt

Bản đồ vệ tinh Thành phố Đà LạtBản đồ vệ tinh Thành phố Đà Lạt

5. Tính chất và mục tiêu quy hoạch Đà Lạt 2030 – 2050

  • Tính chất : Là Trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
  • Mục tiêu phát triển : Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

6. Bản đồ quy hoạch Thành phố Đà Lạt

Phân vùng phát triển tại Đà Lạt

  • Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600 ha bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích khoảng 5.900 ha; Vùng đô thị chia sẻ chức năng bao gồm đô thị Liên Nghĩa – Liên Khương (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 2.600 ha và đô thị Finôm – Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 1.700 ha; các đô thị vệ tinh gồm đô thị Lạc Dương (huyện Lạc Dương) có diện tích khoảng 300 ha, đô thị Đ’ran là trung tâm kinh tế phía Đông (huyện Đơn Dương) có diện tích khoảng 350 ha, đô thị Nam Ban (huyện Lâm Hà) là trung tâm kinh tế phía Tây có diện tích khoảng 500 ha, đô thị Đại Ninh (huyện Đức Trọng) có diện tích khoảng 350 ha.
  • Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích khoảng 73.000 ha. Trong đó, vùng nông nghiệp (khoảng 70.400 ha) tập trung tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Các điểm dân cư nông thôn tập trung có tổng diện tích khoảng 2.600 ha.
  • Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích khoảng 232.000 ha nằm tại vùng rừng phía Bắc (tại huyện Lạc Dương), xung quanh và phía Nam thành phố Đà Lạt (tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng).
  • Vùng phát triển du lịch sinh thái rừng có diện tích khoảng 6.500 ha bao gồm 04 khu du lịch chính là khu du lịch hồ Đankia – Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Prenn, khu du lịch hồ Đại Ninh và các khu du lịch khác nằm phân tán trên toàn vùng.

Quy hoạch sử dụng đất Thành phố Đà Lạt đến năm 2030

Quy hoạch sử dụng đất cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận

Tổng diện tích đất tự nhiên 335.930 ha bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 11.700 ha, đất du lịch sinh thái rừng khoảng 6.500 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.700 ha, đất an ninh – quốc phòng khoảng 2.500 ha, đất nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 73.000 ha, đất rừng khoảng 232.000 ha, đất cảnh quan, mặt nước ngoài đô thị khoảng 6.530 ha.

Quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Lạt

Tổng diện tích đất tự nhiên là 39.440 ha bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 5.900 ha, đất du lịch sinh thái rừng khoảng 1.300 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 790 ha, đất an ninh quốc phòng khoảng 390 ha, đất nông nghiệp và phát triển nông thôn khoảng 5.300 ha, đất rừng khoảng 25.000 ha và đất cảnh quan, mặt nước ngoài đô thị khoảng 760 ha.

Trong diện tích đất xây dựng đô thị, đất dân dụng là khoảng 2.650 ha, đất trung tâm chuyên ngành và phát triển hỗn hợp khoảng 520 ha, đất du lịch hỗn hợp khoảng 350 ha, đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 400 ha, đất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 30 ha, đất cây xanh, cảnh quan và không gian mở ngoài dân dụng khoảng 1320 ha, đất nông nghiệp sạch đô thị khoảng 630 ha.

Bản đồ quy hoạch Thành phố Đà LạtBản đồ quy hoạch Thành phố Đà Lạt

Link tải bản đồ
Tác giả
avatar
Bùi Việt Hà

Nhân viên nghiên cứu thị trường

Phân tích, tìm kiếm dữ liệu thông tin trên thị trường. Thống kê, làm báo cáo cụ thể về phân tích dữ liệu thị trường bất động sản.