Nhà giàu cũng gặp khó khi vay ngân hàng đầu cơ BĐS

avatar
By Nguyễn Kiên

04/05/2023

Quan sát thị trường một quãng thời gian dài, khi quyết định xuống tiền đầu tư thì thị trường lại rơi vào trạng thái trầm lắng, đến nay nhiều nhà đầu tư vì áp lực tài chính đã phải rao bán cắt lỗ, giảm giá sâu. Tuy nhiên, lại khó tiếp cận với người mua trong bối cảnh hiện nay.

Giá biệt thự, nhà phố và tòa nhà thương mại tại Hà Nội liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong vòng ba năm. Do đó, giới đầu tư bất động sản xưa nay vẫn tin rằng nhà liền kề, nhà nghỉ dưỡng là kênh đầu tư “hái ra tiền” bền vững. Ngoài việc gia tăng giá trị theo thời gian, nhà đầu tư còn có thể thu được lợi nhuận từ việc cho thuê kinh doanh. 

Tuy nhiên, từ giữa năm ngoái đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền, nhà liền thổ, biệt thự cũng giảm giá mạnh. Nhiều chủ nhà rao bán nhà, chịu lỗ cao nhưng không có người mua trong thời gian dài. 

Tại Hà Nội, nhà đầu tư tay ngang Nguyễn Tuyến cho biết anh đã theo dõi thị trường từ 2019 đến 2021, giá liền kề, nhà ở thương mại sẽ tiếp tục tăng. Thế là đầu năm 2022, có trong tay 10 tỷ đồng, anh bàn với vợ mua căn hộ để đầu tư sinh lời rồi cho thuê.

“Được môi giới đưa đi xem nhà tại nhiều khu đô thị, cuối cùng vợi chồng tôi chốt vay thêm 12 tỷ đồng mua một căn shophouse tại quận Hoàng Mai với diện tích 79m2 với mức giá 22 tỷ đồng”

Tuy nhiên, anh Tuyến mua xong chưa được bao lâu thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Đồng thời, anh cũng không tìm được người cho thuê kinh doanh nên căn nhà “cửa đóng then cài” suốt một thời gian dài.

Để bán nhanh, anh Tuyến đồng ý cắt lỗ so với lúc mua và liên hệ với nhiều môi giới, chấp nhận  hoa hồng lên đến 3%. Nhưng đến nay đã rao bán được 3 tháng, ngôi nhà của Tuyền vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

“2 tháng gần đây, gia đình tôi phải dồn toàn lực để đóng gốc và lãi, thậm chí phải vay người quen để đủ tiền thanh toán. Hy vọng sẽ sớm bán được căn nhà để gia đình tôi bớt áp lực tài chính”, anh Tuyến nói.

Anh Trần Tú, người sở hữu 2 căn shophouse tại quận Hà Đông như “ngồi trên lửa”. Anh Tú cho biết trong năm 2021 mua 2 TTTM với tổng giá trị 35 tỷ đồng, trong đó 17 tỷ đồng là vốn vay.

“Mục đích ban đầu của tôi chỉ đầu tư trong 1 năm sẽ mở bán kiếm lời. Đầu năm 2022, có người hỏi mua 2 căn nhà với mức chênh khoản 10% so với thời điểm mua nhưng tôi không bán và quyết giữ đúng mục tiêu ban đầu để được lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng rơi vào trầm lắng, lãi suất tăng cao nhiều căn nhà tương tự của tôi được rao bán với mức giá rẻ hơn nhiều”, anh Tú nói.

Lãi suất neo cao, đứng trước áp lực tài chính anh Tú đành rao bán trước một căn shophouse với mức cắt lỗ 25%, song hơn 1 tháng nay chỉ có một vài người tới xem rồi không ai liên lạc lại.

“Môi giới cũng nói với tôi, những bất động sản giá trị cao hiện nay khó bán có thể cần thời gian dài, nếu muốn bán gấp phải giảm giá thêm”, người này chia sẻ.

Trên thực tế, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc nhiều người mua chờ giá giảm thêm. Đặc biệt, các phân khúc BĐS cao cấp hiện nay rất khó thanh khoản. 

Theo báo cáo của Savills, thị trường nhà đất vẫn tương đối ảm đạm trong quý đầu tiên của năm nay do niềm tin của người mua giảm sút. Như vậy, phân khúc nhà phố, biệt thự Hà Nội trong quý I chỉ có 88 giao dịch, giảm 78%. Đây là tỷ lệ hấp thụ thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. 

Theo JLL Việt Nam, nguồn cung thị trường nhà liền thổ, bao gồm nhà liền kề và biệt thự, tiếp tục trải qua một quý khó khăn khi nhiều dự án ngừng mở bán trong quý I năm nay. Nguồn cung mới giảm mạnh, kết hợp với tâm lý thị trường yếu và khó khăn trong thanh toán, đã khiến giao dịch ở thị trường gần như đóng băng trong quý đầu tiên. 

Đặc biệt, các dự án vừa và nhỏ chứng kiến ​​nhiều khoản hoàn trả tiền đặt cọc và trả lại khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng thế chấp và người mua không trả được nợ. Điều này dẫn đến tỷ lệ hấp thụ âm trong quý. 

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty BĐS Thành Đạt, trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ở thực và có tính thanh khoản. Tuy nhiên, phân khúc liền kề, shophouse chủ yếu mang tính đầu cơ, ít nhu cầu ở thực. 

“Những bất động sản giá trị cao như liền kề, shophouse hiện nay không phải ai cũng đủ tài chính để mua vào dù mức giá đã giảm. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất vẫn cao nên nhiều người muốn mua những vẫn chờ giá giảm sâu hơn”.

Tác giả
avatar
Nguyễn Kiên

Biên tập viên tin tức bất động sản

Tổng hợp, phân tích thông tin từ các chuyên viên, cố vấn của Dân Đầu Tư về thị trường bất động sản.