Nhà đầu tư bất động sản “xoay sở” cho kỳ đáo hạn của ngân hàng

avatar
By Nông Quân

11/04/2023

Mỗi nhà đầu tư đều có cho mình một khối lượng tài sản nhất định, nhưng trong thời gian trở lại đây, có nhiều giao dịch diễn ra bởi nhà đầu tư đang trong giai đoạn “chật vật” với lãi suất và kỳ đáo hạn của ngân hàng.

Trong những ngày gần đây, thị trường đất phía Nam được chú ý nhiều hơn cả bởi sự sôi động của nó với số lượng giao dịch lớn. Khi đào sâu tìm hiểu về lượng giao dịch, đa số là sản phẩm đang được rao bán gấp. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận “cắt lỗ” để có tiền trả lãi cho phía ngân hàng thay vì lấy nguồn tài sản khác ra thế chấp và gồng lãi. Tính đến thời điểm hiện tại, việc giao dịch như vậy đã diễn ra từ thời điểm cuối năm 2022. Mức cắt lỗ của những giao dịch này cũng rất lớn, dao động trong khoảng từ nửa tỷ (đất nền) tới hơn tỷ (nhà) khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Lý giải cho nguyên nhân của việc bán tháo là do một số nhà đầu tư mới và nhà đầu tư lâu năm đang ôm quá nhiều tài sản cùng lúc, trong khi thị trường bất động sản không mấy khả quan. Bán tài sản không chỉ là để trả tiền lãi cho ngân hàng mà còn gánh lỗ cho những tài sản khác mà nhà đầu tư đang nắm giữ.

Số lượng các nhà đầu tư rao bán như vậy không phải là ít, tuy nhiên số lượng sản phẩm thực sự được bán ra dường như nó chỉ đến với những nhà đầu tư có sự may mắn. Có một số nhà đầu tư dù bí bách nhưng rao bán mãi không được thì bất động sản như một gánh nặng với họ.

Việc nhà đầu tư “nay đây, mai đó” để trả tiền lãi, tiền gốc hàng tháng khiến con người ta nghĩ tới câu chuyện: bất động sản đã từng giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng, và cũng chính bất động sản khiến không ít người lâm cảnh nợ nần, bí bách. Một số góc nhìn trong ngành từng cho rằng, đã qua thời kỳ bất động sản là công cụ để thực hiện cuộc chơi tài chính của nhà đầu tư.

Nếu đặt lên bàn cân so sánh giá đất năm 2015 với hiện tại, thì giá đã chênh từ 2-3 lần (tùy theo từng khu vực). Thâm chí, tại nhiều nơi, mức tăng có thể lên tới 7-10 lần. Nhiều người mặc định cho rằng, điều đó là bình thường, bởi yếu tố lạm phát, các tác động khác từ nền kinh tế. Thế nhưng, thực tế bất ổn vẫn luôn diễn ra trên thị trường trong những năm gần đây, để minh chứng cho điều này, chúng ta phải kể đến việc người mua thực khó tiếp cận nhà ở, nhà đầu tư lộ rõ sự đuối sức tài chính phải bán tháo tài sản; dự án của doanh nghiệp khó thanh khoản…

Có thể thấy, sau khi tăng nóng 50 - 100%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019 và duy trì tăng nhẹ 20 - 40%/năm giai đoạn 2020 - 2021, lập đỉnh vào đầu năm 2022, thị trường bất động hiện bước vào giai đoạn trầm lắng. Hiện rất nhiều nhà đầu tư bất động sản “chìm” trong khó khăn. Tất cả đều có nguyên nhân của nó.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D Tập đoàn DKRA, nhận thấy thị trường tăng trưởng nhanh và mất cân bằng trong vài năm trở lại đây. Ông cho rằng cuộc suy thoái 2008 - 2012 là thời điểm tốt để rút kinh nghiệm và tránh một số vấn đề. Trong ba năm qua, thị trường đã chứng kiến sự gia tăng về cung, cầu và giá cả.

“Mức tăng mạnh hiện diện ở tất cả các phân khúc, đặc biệt đất nền ở khu vực vùng xa. Cùng với đó, có đến 70 - 80% mua bất động sản là nhà đầu tư, đầu cơ, liên tục sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Điều này dẫn việc nhà đầu tư phải bán tháo tài sản. Theo cách phần tích của ông Thắng thì thị trường “hạ nhiệt”, những nhà đầu tư này lộ rõ sự “đuối sức” về tài chính. Nghĩa là họ tham gia thị trường bất động sản chủ yếu là để đầu cơ, lướt sóng, tính bền vững trong đầu tư không có”, ông Thắng cho biết.

Thị trường BĐS trầm lắng là do nhiều người mua BĐS để đầu tư, còn thị trường chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Khi thị trường lao dốc, nhóm đầu tư này cũng “lao đao” theo. Thứ hai, bất động sản hàng hiệu tục ra đời khiến giá đất đai tại các khu vực bị thay đổi liên tục, thậm chí tăng “ảo”, tăng vô tội vạ.

Nhiều nhà đầu tư xem bất động sản như một công cụ để thực hiện “cuộc chơi tài chính” cho nên thị trường đã tồn tại những bất ổn. Rất nhiều nhà đầu tư ôm bất động sản với mục đích duy nhất là mua đi bán lại, kỳ vọng lợi nhuận “bằng lần”. Đã không ít trường hợp nhà đầu tư “tay không bắt giặc” theo kiểu: dùng đòn bẩy 6 tỉ đồng, trong đó lấy 5 tỷ mua bất động sản còn 1 tỷ để dành đóng lãi vay trong 1 - 2 năm, chờ tải sản tăng giá. Thế những, họ lại luôn thắng đậm, hơn cả nhà đầu tư có sẵn dòng tiền. Theo đó, việc giá bất động sản liên tục tăng trong thời gian dài đã làm rất nhiều tiền bạc của cải của xã hội dồn vào “cuộc chơi tài chính”. Và, hệ lụy để lại cho chính nhà đầu tư, cho xã hội là không hề nhở (theo cafef.vn).

Tác giả
avatar
Nông Quân

Cố vấn phân tích thông tin bất động sản

Chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phân tích thông tin bất động sản. Phân tích và đánh giá các dự án và cung cấp lời khuyên cho các nhà đầu tư.