Người trẻ và giấc mơ an cư
Việc một người trẻ thuộc thế hệ Gen Z hay Millennials sở hữu được căn nhà vẫn luôn là tiêu điểm, thu hút sự chú ý của mỗi chúng ta. Không chỉ tại Việt Nam, mà trên thế giới, việc mua nhà đối với những người trẻ tuổi - những người đang ở trong độ tuổi lao động chính chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Cuộc chạy đua marathon của những người trẻ trên toàn cầu để sở hữu ngôi nhà đầu tiên cho mình vẫn chưa thấy đích đến. Hãy cùng Dân Đầu Tư tìm hiểu chặng đường đua của những người trẻ tuổi tới chùm chìa khóa đầu tiên qua bài viết dưới đây.
Theo số liệu mới được công bố thì ở các nước như Singapore, người lao động phải tiết kiệm tới gần 16 năm mới có thể sở hữu căn nhà đầu tiên, ở Indonesia con số này lên tới 18 năm.
Trước đây, tại Vương quốc Anh, với £18.000, người lao động có thể mua một căn nhà rộng 75m2, một nơi ở không quá tệ, ngược lại còn khá thoải mái. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cùng với số tiền đó, người lao động chỉ có thể sở hữu 5m2.
Trong những ngày qua, sự kiện chính trị quan trọng nhất chính là kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa 14 của Chính phủ Trung Quốc. Chính phủ của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới rất quan tâm tới thị trường nhà ở bất động sản, với nguyên tắc “nhà là để ở, không phải là để đầu cơ”. Các nhà lãnh đạo của đất nước này luôn đưa ra những chính sách hỗ trợ để người trẻ có thể sở hữu căn nhà của riêng mình. Thế nhưng, tư duy về an cư lạc nghiệp có được người trẻ lưu giữ đến hiện nay hay không? Hay họ cũng phải thay đổi để phù hợp với thị trường bất động sản?
Người trẻ bây giờ có thu nhập tốt hơn so với ngày trước, vậy tại sao cuộc chạy đua sở hữu nhà vẫn nhiều khó khăn tới vậy? Sau đại dịch COVID-19, người trẻ tại các quốc gia đang có thị trường bất động sản, đô thị phát triển, họ phải chịu gấp 3 lần áp lực: lạm phát tăng cao, lãi vay mua nhà tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu không ổn định.
Sau đại dịch COVID-19, thu nhập của nhiều người thậm chí còn sụt giảm rất nhiều so với trước kia. Giải pháp cho người trẻ tuổi có thể sở hữu được ngôi nhà đầu tiên chính là tìm đến ngân hàng bố và mẹ. Trong một khảo sát gần đây tại Canada, gần 1 nửa số người được hỏi đều có câu trả lời: họ cần sự hỗ trợ tài chính từ phía gia đình để mua nhà, so với năm 2001, thì con số hiện tại cao hơn tới 35%. Hãng thông tấn Reuters mới đưa tin vào tuần trước rằng: dự báo giá nhà tại quốc gia này sẽ giảm khoảng 12% vào năm 2023. Dự báo là thế, nhưng cuộc chạy đua của những người trẻ vẫn chưa thấy đích đến.
Nhắc đến thị trường bất động sản, thì chúng ta có thể kể đến các thị trường nổi trội của khu vực Châu Á như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, còn đối với Hàn Quốc, giá nhà tại quốc gia này cao gấp 14 lần so với mức thu nhập. Vậy người trẻ châu Á phải là gì để thích nghi với thị trường? Tờ SCMP của Trung Quốc đăng tải bài viết với nội dung về việc giới trẻ hiện nay không còn “mặn mà” với việc sở hữu nhà cửa như thế hệ cha ông ngày trước. Trung Quốc vẫn luôn được biết đến là quốc gia có giá bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới, với những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, việc người trẻ mua nhà ở khu vực trung tâm, hay vùng 3, vùng 4 là điều rất khó, nhưng nếu đi ra xa hơn khoảng từ 30km tới 40km thì cơ hội vẫn có. Các căn hộ cũ bình quân xây cách đây khoảng 20 năm, giá ở vùng 3 và vùng 4 dao động từ 60.000 - 120.000 NDT/m2, nhưng ra tới vùng 5 và vùng 6 giá chỉ còn khoảng một phần ba. Với hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt, thì vấn đề vào trung tâm không khó. Tại Trung Quốc, hầu hết người dân ở chung cư với thời hạn lên tới 70 năm, người dân có thể thuê nhà của chính phủ hoặc công ty trợ cấp một phần tiền để ở nhà thuê. Bắc Kinh và Thượng Hải còn giữ chế độ sổ hộ khẩu để hạn chế dân nhập cư, giải quyết các bài toán liên quan đến tắc đường, trường học, y tế,...
Vậy Trung Quốc có những chính sách như thế nào để hỗ trợ cho những người trẻ có cơ hội sở hữu chùm chìa khóa đầu tiên? Trừ các thành phố lớn, căn hộ trung tâm hơn 100m2 có thể lên đến 40-50 tỷ đồng, còn các thành phố cấp 3, cấp 4 giá từ 40-70 triệu đồng/m2. Người trẻ vay mua căn nhà đầu tiên với lãi suất ưu đãi khoảng 4%/năm, hạn vay từ 10-15 năm. Với mức lương bình quân từ 7.000 đến 10.000NDT 1 tháng (25 triệu - 35 triệu), mua căn hộ vừa phải không phải là quá khó. Cơ hội sở hữu nhà ở trong 2 năm nay trở nên dễ dàng hơn, khi thị trường bất động sản trở nên ế ẩm, các chủ đầu tư đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng, nhiều thành phố cũng không yêu cầu sổ hộ khẩu. Chính phủ Trung Quốc đang kiên trì với chính sách “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, cùng nhiều chính sách khác để ổn định giá nhà không tăng một cách phi lý, để người trẻ bớt áp lực trong cuộc sống mà chịu sinh con. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc giá bất động sản tăng bất ngờ như trước đây sẽ rất khó, bởi các chính sách của Chính phủ được đưa ra để kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ sinh thấp hơn tỷ lệ tử nên nhà không còn khan hiếm. Tuy nhiên, người trẻ vẫn còn nhiều áp lực bởi chi phí nuôi con từ việc học hành tới y tế còn đắt đỏ vì chính sách của các cấp chính quyền cần một thời gian dài mới có thể phát huy hiệu quả cao.
Các hộ gia đình ngày nay đang trở nên “neo người”, ít người, thậm chí có những người lựa chọn không sinh con. Với những gia đình ít người, họ có thể sinh sống trong những căn hộ rộng khoảng 5-10m2 với đầy đủ tiện nghi, đây cũng được coi là giải pháp cho tình trạng thiếu nhà giá rẻ, và cũng sẽ là một xu thế xây dựng nhà ở trong thời gian tới. Tại Mỹ và một số nước Châu Âu, việc xây dựng một ngôi nhà siêu nhỏ, siêu nhanh, mà giá cả siêu rẻ đang gây được nhiều sự chú ý. Với những công ty khởi nghiệp về xây dựng những ngôi nhà “tí hon” đang được ưa chuộng, họ nhận được rất nhiều đơn hàng từ người dân. Công việc dựng nhà không tốn quá nhiều thời gian, thậm chí chỉ cần trong 1 buổi chiều căn nhà đã có thể dựng xong. Không gian trong ngôi nhà được tận dụng triệt để với phương pháp âm tường. Ngôi nhà như này có thể không phù hợp với một gia đình lớn nhưng nó hoàn toàn phù hợp với một cặp vợ chồng hoặc chủ nhà độc thân.