Người thu nhập thấp “đỏ mắt” tìm nhà giá rẻ
Đối với những người lao động xa quê nói chung, những người lao động có thu nhập thấp nói chung, khi sinh sống và lập nghiệp với mức lương công nhân chỉ đủ cho chi tiêu hàng ngày, việc sở hữu một căn nhà để ổn định cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, xa vời tầm với bởi giá bất động sản ngày một tăng cao.
Là thủ phủ công nghiệp với vị trí liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao nhất cả nước, được xem là thủ phủ công nghiệp với 48 khu cụm công nghiệp có tổng diện tích là 13.500ha, Bình Dương đang thu hút một lượng lớn người lao động, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Ngoài ra, một lượng không nhỏ người dân đang làm việc tại TP. HCM cũng chọn sinh sống tại Bình Dương do hạ tầng kết nối ngày càng thuận tiện, trong khi đó nguồn cung các dự án mới tại TP. HCM đang khan hiếm, giá nhà tăng cao.
Nổi trội phải kể đến thành phố Dĩ An - điểm sáng bất động sản của bất động sản phía nam, nơi đây còn là đích ngắm của rất nhiều nhà đầu tư. Không phải ngẫu nhiên mà thành phố Dĩ An được đánh giá cao như vậy. Địa phương này nằm tiếp giáp với 4 thành phố là TP. HCM, Biên Hòa, Đồng Nai và Tân Uyên. Dĩ An là một cửa ngõ quan trọng bởi nơi này kết nối thành phố HCM với miền Trung Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.
Những năm gần đây, thành phố này liên tục hưởng lợi khi hàng loạt các dự án hạ tầng đang được triển khai (tuyến Metro số 1 đã được chấp thuận). Hàng loạt các công trình hạ tầng đi vào hoạt động, người dân tại Dĩ An chỉ mất khoảng 20 phút để kết nối với trung tâm, dễ dàng hơn trong việc đi làm và học tập trong nội đô thành phố HCM hoặc các thành phố lân cận khác.
Theo thống kê những năm gần đây, Dĩ An nói riêng và Bình Dương chung là khu vực có nhu cầu thuê nhà ở cao nhất cả nước, với tỷ lệ lên tới 74,5%. Trong cơ cấu nguồn cung của Bình Dương, loại căn hình căn hộ cũng chiếm tới 30%, con số này cho thấy đây là loại hình bất động sản nhà ở phát triển mạnh và đang được ưa chuộng.
Tuy nhiên, có một thực tế trên thị trường Bình Dương hiện nay là giá căn hộ đang tăng không ngừng, tăng mạnh hơn hẳn so với Hà Nội và TP. HCM, dao động từ 15-20% trong 5 năm qua, con số này đã chứng minh thực trạng bất động sản tại Bình Dương. Hiện nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đang rất khan hiếm dù đây là phân khúc có nhu cầu lớn nhất. Cụ thể năm 2022, Bình Dương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội và tái định cư trong dự án nhà ở thương mại được cấp phép, tổng quy mô 1.227 căn. Chính vì thế, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang tìm kiếm các dự án nhà ở thương mại với mức giá vừa tầm, có chính sách thanh toán, hỗ trợ tài chính hợp lý hơn.
Giá nhà hiện nay ở nước ta chưa phù hợp với thu nhập trung bình của người dân, cấu thành giá nhà hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có chi phí về tiền sử dụng đất, lãi suất cao trong thời gian qua. Nếu tới đây, lãi suất cho vay giảm xuống, thủ tục hành chính được rút gọn, vấn đề quản lý thị trường không có những cơn sốt về tăng giá điện, tăng giá xăng… thì giá thành nhà ở có thể sẽ giảm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM phân tích.
Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, như: các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay với lãi suất thấp…
Tuy nhiên, phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.
Trong chuyến công tác tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phát huy trí tuệ, phẩm chất và năng lực của con người Việt Nam; đồng thời chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có chăm lo về nhà ở. Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Để không ai bị bỏ lại phía sau, tất yếu phải đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội nên chia phân khúc theo trình tự thời gian, diện tích ít hơn dành cho người lao động chưa ổn định, diện tích lớn hơn dành cho người đời sống đã cải thiện để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, làm sao xây đẹp, thoáng mát nhưng giá phải rẻ. Đặc biệt, quy hoạch nhà ở xã hội cần phải đảm bảo đủ các yếu tố giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí”.