Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc

avatar
By Mai Anh

08/02/2023

 Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ xây dựng các cực tăng trưởng mới, điển hình là việc tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô nhằm kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.

Quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô

Vào những ngày đầu của Xuân Quý Mão, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp với các quan chức hàng đầu về kế hoạch, cũng như nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023, với mục tiêu tạo sức bật cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong ngắn hạn và dài hạn.

Với một năm 2022 bị tác động bởi tình hình quốc tế và trong nước, Hà Nội vẫn đạt được một kết quả hoạt động toàn diện. Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,89% (cao hơn kế hoạch dự kiến từ 7-7,5%) cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc trong năm này.

Đứng trước các nguy cơ về lạm phát, suy thoái kinh tế, tình hình chính trị thế giới phức tạp,... 2023 được đánh giá là một năm khó khăn. Thành ủy Hà Nội đưa ra quan điểm chỉ đạo: các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tập trung chỉ đạo sát sao hơn nữa; đồng thời, cần thận trọng trong việc kiểm tra, giám sát phương thức lãnh đạo của các cấp.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2023, Hà Nội đặt kế hoạch đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP lớn hơn 7%, và giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới mức 4,5%.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô. Điều này bao gồm việc hoàn thiện và trình duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, cần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiều năm nay thành phố phát triển hướng vào trung tâm khiến dân số tại các quận nội thành tăng nhanh. Điều này đã gây ra các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập úng.

Để giải quyết những bất cập này, Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố sẽ quyết tâm “giãn ra bên ngoài”, xây dựng các cực tăng trưởng mới, và Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng hai thành phố trực thuộc Thủ đô. Một tuyến sẽ nằm ở khu vực xung quanh các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (Thành phố Bắc sông Hồng) và tuyến còn lại gần khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai (Thành phố phía Tây). Các đô thị mới này sẽ là những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thành phố, giúp phân bổ dân cư và vực dậy nền kinh tế ở những khu vực còn nhiều khó khăn.

Thành phố phía Bắc sông Hồng được xây dựng với mục tiêu trở thành thành phố dịch vụ, thành phố hội nhập quốc tế. Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của nơi này. Đối với thành phố thứ 2 trong lòng thủ đô Hà Nội, nơi đây được định hướng sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo. Bởi thành phố phía Tây đã có nền móng sẵn, cụ thể như Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia. Thời gian tới Chính phủ sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.

Quy hoạch các huyện lên quận

Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 17 đã quyết định nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố sẽ phát triển 5 quận, gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, và Thanh Trì. Thành phố đã có nhiều giải pháp để đầu tư đồng bộ, phát triển các huyện thành quận.

Tính đến nay, huyện Đông Anh đã đạt 26/27 tiêu chí, huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí. Nhóm còn lại gồm các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức còn thiếu từ 3 đến 6 tiêu chí để thành quận. Khi tiếp xúc với các cử tri, ông Dũng nói, nếu dàn hàng ngang thì khó thành công, chính vì thế, sau khi xem xét các điều kiện, với sự hỗ trợ của thành phố, Gia Lâm và Đông Anh sẽ là 2 huyện được ưu tiên nâng cấp thành quận trong năm 2023.

Huyện Đông Anh còn 1 tiêu chí chưa đạt là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, song để hoàn thành tiêu chí này, phải đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải trên địa bàn huyện về Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long, hiện nay dự án cơ bản đã đi vào hoạt động. Huyện đang chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để được cấp phép lên quận. Còn đối với huyện Gia Lâm vẫn còn 2 tiêu chí là cân đối thu, chi ngân sách và cơ sở y tế cấp đô thị. Bí thư Thành ủy đánh giá, trong tháng 9 năm 2022, huyện Gia Lâm đã triển khai tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là về chính sách kinh tế xã hội và thu ngân sách. Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ hai huyện này, có thể cả về tỷ lệ điều tiết ngân sách để đạt điều kiện lên quận. Ngoài ra thành phố cũng đang phối hợp với các huyện đánh giá, từng bước báo cáo cơ quan có thẩm quyền. “Tinh thần chung là thành phố hỗ trợ, quyết tâm cùng với Đông Anh, Gia Lâm, cố gắng năm 2023 sẽ lên được quận”, ông Dũng nói.

Hà Nội đang cùng lúc thực hiện một số dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật, công trình đầu mối, sớm đưa đoạn tuyến trên cao Nhổn - Ga Hà Nội vào khai thác thương mại.

Chính phủ cần đảm bảo các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công đường Vành đai 4 - trục đường chính của vùng Thủ đô được thực hiện. Chính phủ cũng sẽ đưa ra các quy định mới để tăng cường cải tạo và xây dựng trên các khu chung cư cũ. Cuối cùng là rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ.

Vành đai 4: Giải quyết nhiều bất cập đặt ra cho Thủ đô

Dự án Vành đai 4 được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.

Dự án là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, mà còn cả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành ủy Hà Nội có trách nhiệm thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn - xây dựng một đường vành đai mới quanh thành phố. Nhưng họ quyết tâm thực hiện, bởi vì dự án này không chỉ giúp thành phố tốt đẹp hơn mà còn giúp giải quyết bài toán kết nối liên vùng đã có từ bấy lâu nay. Khi đường vành đai hoàn thành sẽ giúp giao thông Hà Nội được cải thiện, người dân di chuyển dễ dàng hơn, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai, dự án Vành đai 4 nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân. Thời gian gần đây, khi các quận, huyện của Hà Nội bắt đầu giải phóng mặt bằng, nhiều gia đình chưa nhận được tiền nhưng đã bàn giao mặt bằng khiến việc di dời mồ mả được đẩy nhanh hơn. Sự đồng thuận của người dân Hà Nội là rất tích cực, có lẽ ít dự án nào có được sự ủng hộ như dự án này.

Chính vì nhận được sự thống nhất, nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, 3 tỉnh, thành có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao. Đến nay, dự án đang tiến triển thuận lợi, nhiều quận, huyện đã di dời mồ mả trước tết Nguyên đán 2023.

Tác giả
avatar
Mai Anh

Chuyên viên phân tích thị trường

Cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng, có kinh nghiệm và chuyên môn trong phân tích, nghiên cứu đối với thị trường bất động sản