Đất mua qua giấy viết tay sẽ được cấp sổ đỏ?
Thông tin về việc mở rộng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với trường hợp mua bán đất qua giấy viết tay đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nếu được áp dụng, thì điều luật này đã đáp ứng được sự mong mỏi của các nhà đầu tư khi đã trót “xuống tiền” với những lô đất được mua qua giấy viết tay mà đến nay chưa được cấp sổ đỏ.
Mua đất qua giấy viết tay
Nhiều người dân mua đất qua giấy viết tay nằm trong vùng quy hoạch dự án đang gặp khó khăn vì đất mua không được bồi thường, hỗ trợ về đất ở. Nhiều người khác mua đất qua giấy viết nằm trong vùng dự án chờ giải tỏa cũng không biết tương lai của những thửa đất mình mua sẽ ra sao.
Mới đây, hàng loạt hộ dân ở TP. Đà Nẵng có đơn thư gửi UBND tỉnh Quảng Nam khiếu nại về việc mua đất ở Quảng Nam qua giấy viết tay nhưng không được đền bù đất ở khi thửa đất nằm trong khu vực bị thu hồi để phục vụ cho dự án.
Khu vực phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn là vị trí mà các hộ dân thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng. Họ bắt đầu thực hiện mua bán từ năm 2007 đến 2010. Quy mô của thửa đất dao động từ 90 đến 100m2 tùy thuộc vào giấy viết tay của các gia đình thuộc khu vực này.
Một số hộ dân đang tiếp tục kiến nghị chính quyền xem xét bố trí đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án trên địa bàn.
Đã có rất nhiều trường hợp người dân mua bán đất nền tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Điều này là do người dân đang sử dụng giấy viết tay để chuyển nhượng đất đai cho nhau mà không thông qua một thủ tục chính thức.
Trong báo cáo đến năm 2022 của UBND thị xã Điện Bàn cho biết, dự án Làng Đại học Đà Nẵng được chính quyền phê duyệt từ năm 1997, có tổng diện tích khoảng 300ha, trong đó Phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) có khoảng 110ha, và gần 190ha còn lại nằm trong bốn khối phố Cầu Hạ, Ngọc Vinh, Tú Gàn thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
Chính phủ đã làm việc với dự án này trong một thời gian dài, nhưng nó vẫn chưa được triển khai trên diện rộng. Đã có một phần của dự án được thực hiện trên diện tích của thành phố Đà Nẵng, còn tại tỉnh Quảng Nam chưa được thực hiện ngoài 1ha để tái định cư cho đường bao ranh giới dự án.
Dự án kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn tới người dân, nhất là công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và trật tự xây dựng trên địa bàn.
Từ năm 2009 đến nay đã có trên 500 trường hợp xây dựng trái phép với tổng diện tích lên tới 5ha.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nâng cao an ninh trật tự khu vực nông thôn - đô thị nhưng vẫn khó đảm bảo an toàn cho mọi người.
Việc chuyển nhượng đất giữa các hộ dân vẫn diễn ra tự phát, chính quyền địa phương không kiểm soát được, điều này có thể dẫn đến tranh chấp và kiện tụng. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ tạo điểm nóng, có thể gây mất an ninh, trật tự xã hội trong khu vực.
Sẽ mở rộng đối tượng cấp sổ đỏ?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thu thập ý kiến đóng góp của nhiều người về đề xuất sửa đổi luật đất đai. Nội dung sửa đổi này sẽ được trình Chính phủ xem xét, sau đó sẽ trình Quốc hội để thông qua.
Ngày 28/2/2023, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND TP. Đà Nẵng trình.
Hội thảo xoay quanh bốn chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp GCN và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất và việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm mới về cách thức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật Đất đai sửa đổi sẽ cập nhập thêm về các quy định liên quan đến các giấy tờ, quyền sử dụng đất.
“Mỗi địa phương có một hệ thống các loại giấy tờ khác nhau thì giao thẩm quyền cho các địa phương về việc xã định các loại giấy tờ về đất đai như thế nào”, ông Chính phát biểu.
Ông Chính cho biết thêm, Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng thêm cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất qua giấy viết tay mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Cụ thể trước đây chỉ giải quyết cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất qua giấy viết tay từ năm 2008 trở về trước.
Trong Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo sẽ nghiên cứu về vấn đề cấp sổ đỏ và áp dụng như thế nào đối với những trường hợp mua bán, chuyển nhượng sau năm 2008 đến trước khi luật 2013 có hiệu lực (Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014).