Các ngân hàng giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho BĐS

avatar
By Nguyễn Minh Hiếu

14/02/2023

Hạ lãi suất là một yếu tố quan trọng tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà đều được hưởng lợi. Nhưng “liệu tín hiệu lãi suất cho vay bất động sản sẽ có xảy ra trong thực tế” là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Kiến nghị gỡ vướng cho thị trường bất động sản

Tại Hội nghị về công tác tín dụng lĩnh vực bất động sản ngày 8/2, diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị về cách xử lý nợ. Một số người trong giới kinh doanh nghĩ rằng nên thay đổi cách phân loại nợ để các doanh nghiệp ít có khả năng bị trễ thanh toán. Bởi vì nếu doanh nghiệp chậm thanh toán thì sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc họ có ít khả năng tiếp cận vốn hơn. Ngoài ra còn có nhiều đề xuất được đưa ra về cách làm cho việc vay vốn dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nhìn nhận khó khăn hiện nay mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường trái phiếu thay đổi, khiến các kênh vốn bị thu hẹp. Một số doanh nghiệp đang khuyến nghị nới lỏng các quy định để nhiều công ty có thể dễ dàng trong khâu tiếp cận vốn. Ngoài ra, còn có một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay đối với các dự án có đầy đủ pháp lý, mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng; đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư. Cụ thể ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes đã nêu ra 3 vướng mắc về tín dụng bất động sản hiện nay:

  • Các ngân hàng thường không tài trợ cho các hoạt động như mua cổ phiếu, cổ phần hoặc góp vốn vào một công ty đầu tư dự án, hay các hoạt động M&A.

  • Trong đầu tư bất động sản, có nhiều chi phí phải trả trước như giải phóng mặt bằng. Khi thị trường trái phiếu lành mạnh, các nhà đầu tư có thể huy động tiền để tài trợ các chi phí này. Nhưng hiện tại, tiền từ thị trường trái phiếu rất khó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét vấn đề này.

  • Về lãi suất vay vốn, theo ông Hoa, bất động sản đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200%. Nhưng bất động sản với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác. Vì vậy, lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng. Việc hạn chế room tín dụng cho vay bất động sản cũng bị hạn chế đẩy lãi suất cho vay tăng lên.

Ngân hàng Nhà nước nên xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì duy trì tỉ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo NHNN cho biết không có chỉ đạo cụ thể siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS, mà chỉ kiểm soát chặt rủi ro ở một số phân khúc, bởi những phân khúc rủi ro cao này có thể gây ra bong bóng hay đóng băng cho thị trường.

Cụ thể, tín dụng bất động sản đã tăng mạnh trong năm 2022 (trên 24,2%), thời điểm cuối năm, dư nợ cho vay đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 5 năm qua.

Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,67% năm 2021 lên 1,81%, do đó cần kiểm soát để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp vốn cho các phân khúc ít rủi ro như các bất động sản phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất hay dự án phục vụ nhu cầu nhà.

Các ngân hàng từng bước giảm lãi suất cho vay

Quay trở lại câu chuyện phía các ngân hàng lớn thống nhất giảm lãi suất, ông Vũ Trường Thắng - Tổng giám đốc Winhousing đặt ra câu hỏi: “Có tín hiệu về giảm lãi suất, nhưng cụ thể sẽ giảm về mức bao nhiêu phần trăm? Liệu có kéo được về mức 5-6% không? Ngoài ra, nới lãi suất xong, liệu có room tín dụng cho bất động sản không?”

“Tùy từng lĩnh vực mà điều kiện cấp tín dụng sẽ có mức độ khác nhau. Đối với những lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, chúng tôi sẽ có chính sách ưu đãi hơn. Đối với lĩnh vực dư cung, ví dụ như nhà cao cấp, biệt thự biển, biệt thự giá trị lớn, đây là lĩnh vực chúng tôi sẽ thận trọng hơn”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói rằng: ”Nếu giảm lãi suất chắc chắn thị trường sẽ có những xung lực nhất định, trước mắt là ổn định, sau đó sẽ phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay bất động sản thực hiện được không còn phải dựa trên tình hình thực tế”. 

Ở thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất huy động sau hoạt động thanh kiểm tra. Trên các website chính thức của ngân hàng, hiện không còn ngân hàng nào công bố mức trên 10%/năm. Cụ thể, SaigonBank sau một thời gian dài giữ mức huy động cao nhất thị trường là 10,5% cho kỳ hạn 12 tháng đã hạ xuống còn 9,5%. CBBank, OceanBank,... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm. Ngoài ra, các ông lớn trong ngành ngân hàng cũng có những mức lãi suất hấp dẫn: BIDV có mức lãi suất ưu đãi cho vay bất động sản từ 7,7%/năm, lãi suất sau ưu đãi khoảng 10-10,5%, tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100%, thời hạn 20 năm; VietinBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có lãi suất cho vay ưu đãi với bất động sản chỉ từ 7,7%, cho vay tối đa 80% giá trị tài sản trong vòng 20 năm.

Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng thành viên để đề xuất một mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm. Điều này sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất, thúc đẩy sự ổn định trong hệ thống ngân hàng. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và phát triển.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh mảng bất động sản, họ có thể được vay với lãi suất thấp hoặc ổn định để tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc. Với khách hàng mua bất động sản, điều này sẽ giảm áp lực “gồng lãi” và đặc biệt là đối với nhóm nhà đầu tư đang đứng trước lựa chọn cắt lỗ khi không thể trả được nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu mua BĐS sẽ cố quyết định nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Những yếu tố này khiến cho sự chững lãi của thị trường bị loại bỏ, và bất động sản đi vào hoạt động ổn định.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng một giải pháp tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước, nhưng kết luận cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các ý kiến của doanh nghiệp, ngân hàng tại hội nghị sẽ được tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng. Và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thêm một hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

 

Tác giả
avatar
Nguyễn Minh Hiếu

Chuyên viên nghiên cứu, phân tích

Kinh nghiệm dự đoán xu hướng đầu tư bất động sản trong tương lai.