3 tỉnh thành sẽ lên TP trực thuộc Trung ương

avatar
By Nông Quân

09/03/2023

Hiện dải đất hình chữ S dài 331.699 km2 được chia thành 63 đơn vị hành chính cấp 1, bao gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 58 tỉnh thành. Hiện nay UBTVQH đang có kế hoạch đưa thêm 3 thành phố nữa lên thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ có 8 thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy đó là những địa phương nào, và tiêu chuẩn nào cho địa phương cấp tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương?

Tổng quan về phân chia hành chính

Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Việt Nam đã trải qua nhiều lần phân tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới, sáp nhập các tỉnh thành. Quá trình này diễn ra qua các năm 1975, 1976, 1978, 1979, 1989, 1991, 1997, 2004, 2008. Từ đó đến nay, Việt Nam chia thành 63 tỉnh thành. Và sau nhiều lần thảo luận và xem xét, chiều ngày 10/8/2022 Chính phủ đã chỉ đạo phương án phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế xã hội, thay vì chia thành 7 phần như đề xuất. 

  • Vùng trung du Miền núi phía Bắc: gồm 14 tỉnh

  • Vùng đồng bằng sông Hồng: gồm 9 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng 

  • Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng

  • Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh 

  • Vùng Đông Nam Bộ gồm 5 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM 

  • Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ. 

Tuy nhiên, đây không phải là đơn vị phân chia hành chính của đất nước, mà là để đánh giá lại hiện trạng, nhận diện những khó khăn, thách thức và đưa ra những định hướng mới về không gian phát triển của đất nước.

Như vậy Việt Nam có 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần lượt từ Bắc vào Nam: Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. HCM, và TP. Cần Thơ. Trong đó, TP. HCM và Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt. Vậy thì 3 thành phố nào sẽ được lên thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai? 

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân loại toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Trong đó có nêu rõ có 3 tỉnh thành được lên thành phố trực thuộc Trung ương sánh ngang với 5 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay là Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, và Khánh Hòa. 

Vậy 3 tỉnh này có đủ điều kiện để lên thành phố trực thuộc Trung ương hay không?

Về diện tích tự nhiên

Với 1 tỉnh muốn lên thành phố Trực thuộc trung ương thì phải có diện tích từ 1.500 km2 trở lên, trong khi diện tích của tỉnh Bắc Ninh là 823,1 km2 nhỏ nhất cả nước, còn Thừa Thiên-Huế là 5.033 km2, và diện tích của tỉnh Khánh Hòa là 5.218 km2. Như vậy về diện tích thì chỉ có 2 tỉnh là Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa là đạt yêu cầu.

Về đơn vị hành chính

Ngoài yêu cầu về diện tích, các địa phương còn phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, tỉ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện phải từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất 2 quận. Và cuối cùng, đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt, hoặc loại 1 hoặc là khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại 1.

Tỉnh Bắc Ninh chỉ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện, trong đó, thành phố Bắc Ninh đã được công nhận là đô thị loại 1. Như vậy về tiêu chí đơn vị hành chính, tỉnh Bắc Ninh cũng không đạt yêu cầu. Trong tương lai, tỉnh có thể phân tách các huyện sao cho đủ số lượng hoặc Quốc hội sẽ sửa đổi Nghị quyết giảm từ 9 xuống 8 đơn vị hành chính cấp huyện hoặc thêm 1 tiêu chí đặc thù để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế hiện được chia thành 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc 2 thị xã, 6 huyện, trong đó thành phố Huế hiện đã được công nhận là đô thị loại 1 của nước ta. Thành phố này còn được coi là trung tâm du lịch, di sản văn hóa quốc gia, nơi có hai di sản văn hóa thế giới là kinh thành Huế và Nhã Nhạc Cung đình Huế. Như vậy, nếu xét về đơn vị hành chính, thì tỉnh Thừa Thiên Huế chưa đủ điều kiện để lên thành phố Trung ương vì tỉnh mới chỉ có 1 thành phố, 2 thị xã trong số 9 đơn vị hành chính. Vì vậy, tỉ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc chưa đạt 60% tổng số đơn vị hành chính cấp huyện.

Còn tỉnh Khánh Hòa hiện cũng có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Nha Trang, Cam Ranh), 1 thị xã và 6 huyện. Trong đó, thành phố Nha là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Mặc dù vậy, hiện nay tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa đạt yêu cầu. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là dữ liệu đầu năm 2023, và từ giờ đến năm 2030, các địa phương trên sẽ còn phát triển, nên việc tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc sẽ đạt 60% tổng đơn vị hành chính cấp huyện là điều hoàn toàn khả thi. 

Về kinh tế

Nếu theo quy định thì GODP bình quân đầu người một năm của tỉnh sẽ phải bằng 1,75 lần so với cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất phải đạt bình quân của cả nước, tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là 90%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường đạt 90%. 

Mặc dù phải tới năm 2030 mới có quyết định chính thức, nhưng nếu so với mốc thời gian 3 năm trước, cụ thể là năm 2020, 2021, và 2022 thì sẽ như thế nào. Năm 2020 mức tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 2,91%, sang đến năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nên mức tăng trưởng giảm xuống còn 2,8%. Năm 2022 do đại đã kiểm soát được đại dịch nên mức tăng trưởng đạt 8,02 % - một mức tăng trưởng rất ấn tượng. Cùng với đó là GDP bình quân đầu người cũng liên tục tăng: năm 2020: 3.586 USD, và năm 2022: 4.110 USD (~96,6 triệu đồng).

Như vậy tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất của cả nước đạt 4,58%. Với mức này thì liệu 3 tỉnh trên có đạt yêu cầu?

Tỉnh Bắc Ninh được ví như ngựa ô của kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2020, 2021, khi mà các tỉnh thành phải lao đao vì đại dịch, thì kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng. Năm 2020 tăng 1,36%, còn năm 2021 là 6,9%. Cùng với đó là giá trị công nghiệp đứng đầu cả nước. Năm 2022 mức tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh đạt 8,75%, nhỉnh hơn một chút so với mức tăng trưởng của cả nước. Như vậy, mức tăng trưởng kinh tế trung bình nhất của tỉnh Bắc Ninh đạt 5,67% và cao hơn cả nước. Về GODP bình quân đầu người từ 2020-2022 của tỉnh đều lớn hơn cả nước, đặc biệt là năm 2022, GODP bình quân đầu người của tỉnh đạt 7.250 USD (~170,4 triệu) tức là gấp 1,76 lần cả nước. Như vậy, nếu chỉ xét về chỉ tiêu kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thì Bắc Ninh đã đạt yêu cầu.

Tiếp đến là tỉnh Thừa Thiên Huế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất của tỉnh cũng cao hơn cả nước, đạt 4,99%. Cụ thể, năm 2020, Thừa Thiên Huế đạt 2,06%, năm 2021 mức này gấp đôi lên 4,36% và năm 2022 là 8,56%. Nếu giữ mức tăng trưởng như vậy thì Thừa Thiên Huế xứng đáng là một khu vực trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, do dân số khá đông nên GODP bình quân đầu người của tỉnh đều thấp hơn cả nước. Năm 2022, cũng chỉ đạt 2.429 USD (~57 triệu đồng) tức là bằng khoảng 60% GDP bình quân đầu người của cả nước. Như vậy, đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế rất khó để đạt được mức GODP bình quân đầu người bằng 1,75 lần cả nước. Do đó, Quốc hội có thể phải thêm một vài điều khoản đặc thù cho các địa phương có đặc điểm giống với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Còn tỉnh Khánh Hòa, đây là tỉnh phải chịu nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 do du lịch vẫn là trọng tâm phát triển nên trong 2 đại dịch là 2020 và 2021, tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng âm, lần lượt là -10,52% và -5,58%. Đến năm 2022, về cơ bản đại dịch đã được kiểm soát và các dịch vụ được nối lại hoạt động, tỉnh Khánh Hòa cũng đạt mức tăng trưởng là 20,7%, cao nhất cả nước. Cùng với đó là thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, nên trong tương lai 2 thành phố này còn được coi là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của miền Trung và cả nước. Về GODP bình quân đầu người của tỉnh vẫn còn rất thấp so với mức bình quân cả nước, do các hoạt động kinh tế chính và du lịch chỉ tập trung ở Nha Trang và Cam Ranh. Cụ thể, năm 2022 GODP bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 3.257 USD (~76,54 triệu đồng). Mặc dù hiện nay kinh tế của Khánh Hòa có chưa bằng nhiều địa phương, nhưng trong tương lai thì khó có thể nói trước, vì tỉnh này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Về thành phần kinh tế

Đối với tỉnh Bắc Ninh, năm 2022 là một năm thành công của tỉnh, khi cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch hiệu quả. Khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 76,5%, dịch vụ chiếm 17,2%, nông nghiệp và thủy sản chiếm 2,5%. Nếu cộng khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ lại thì chiếm khoảng 93,7% cơ cấu kinh tế. Như vậy là vượt tiêu chuẩn và Nghị quyết đề ra là 90%. Trong tương lai chắc chắn khu vực xây dựng công nghiệp và dịch vụ sẽ tiếp tục tăng nữa.

Tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 cơ cấu kinh tế cũng có sự chuyển dịch khi công nghiệp xây dựng chiếm 34%, dịch vụ chiếm 46,6%, còn nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 10,8%, giảm hơn 1% so với năm 2021. Như vậy, tổng của khu vực xây dựng nông nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm 80,6% cơ cấu kinh tế. Mặc dù còn kém chỉ tiêu đặt ra khoảng 9,4%, nhưng từ giờ đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ còn chuyển dịch mạnh mẽ, nhất là ngành dịch vụ du lịch.

Năm 2022 đối với tỉnh Khánh Hòa là một năm hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế là biểu hiện rõ ràng nhất. Nông nghiệp chiếm khoảng 11,2%, công nghiệp xây dựng chiếm 32,39%, còn dịch vụ du lịch chiếm 46,53%. Như vậy, nếu cộng các ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ lại thì khoảng 78,92% cơ cấu kinh tế. Hiện tại có thể chưa bằng con số 90% mà Nghị quyết Quốc hội đặt ra nhưng từ giờ tới năm 2030, Khánh Hòa hoàn toàn có thể đạt được con số chỉ tiêu.

Như vậy, có thể thấy, 3 tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa tính đến hiện tại vẫn còn thiếu những chỉ tiêu khác nhau. Điều này cho thấy, trong tương lai các tỉnh sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được các mục tiêu hoặc là nghị quyết có thể sẽ phải sửa đổi một số để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế các địa phương. Việc Quốc hội có Nghị định bổ sung về việc thành phố trực thuộc Trung ương có 2 yếu tố đặc thù là di sản văn hóa vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của của Liên Hợp Quốc UNESCO công nhận, cùng với được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch được được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì mức tối thiểu của quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% quy định tại khoản 1 và điểm B Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết 1211/2016 UBTVQH 1. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với Thừa Thiên Huế, nơi có cố đô Huế, và Khánh Hòa với thành phố Nha Trang được quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu và thách thức của 3 tỉnh 

Nếu không có gì thay đổi, thì từ giờ tới năm 2030 hoặc sớm hơn thì chúng ta có 8 thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 5 thành phố hiện nay (TP. Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. HCM và TP. Cần Thơ) và 3 thành phố trong tương lai là Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, và Khánh Hòa.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa con người Bắc Ninh toàn diện, mang nét đặc trưng của con người Kinh Bắc với truyền thống cần cù, hiếu học, đấu tranh anh dũng. Đồng thời phải phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng lần thứ 4 với những tác động to lớn với kinh tế xã hội và con người. Cùng với đó, là ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tiềm năng, lợi thế, xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh. Định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng và cơ hội mới, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực. Tiếp tục thu hút và phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đô thị, phát triển toàn diện văn hóa xã hội… Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Một trong những trung tâm thương mại dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng, và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô, và bản sắc văn hóa Huế. Với đặc trưng di sản sinh thái, cảnh quan, thân thiện, môi trường và thông minh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, chủ trương của tỉnh là xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, việc thực hiện luật khó khăn, và đòi hỏi cái tâm đi cùng cái tầm nhiều hơn là việc vạch ra kế hoạch trên giấy. Việc hình thành và phát triển các thành phố trực thuộc Trung ương phụ thuộc rất lớn vào các tiềm năng và lợi thế phát triển của địa danh, nơi xây dựng thành phố. Các tiềm năng và lợi thế này được xác định bởi vị trí địa lý, điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khả năng liên kết, thu hút các nguồn lực; đặc biệt là các nguồn lực về lao động, đầu tư, sự thuận lợi về giao thông vận tải.

Tính chất các tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương là cơ sở để định hướng phát triển thành phố theo các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Thành phố thiên về phát triển công nghiệp, dịch vụ, thành phố thiên về logistics, thành phố thiên về phát triển khoa học công nghệ cao, thành phố thiên về dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng… Do vậy, việc phát hiện chính xác tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương và để định hướng ưu tiên phát triển là yêu cầu quan trọng khi tiến hành quy hoạch và phát triển. Đối với các địa phương chuẩn bị lên thành phố trực thuộc Trung ương thì điều cần thiết nhất để phát triển là cơ sở từ các tiềm năng và lợi thế cụ thể của từng thành phố để tạo ra sự đồng bộ liên thông giữa các đô thị vệ tinh, nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm, vừa đảm bảo cho thành phố trực thuộc Trung ương phát triển một cách toàn diện, cân đối, có sức mạnh tổng hợp, tạo động lực phát triển cho toàn vùng và toàn quốc.

Tác giả
avatar
Nông Quân

Cố vấn phân tích thông tin bất động sản

Chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phân tích thông tin bất động sản. Phân tích và đánh giá các dự án và cung cấp lời khuyên cho các nhà đầu tư.