THÔNG TIN KHU VỰC Phường Đồng Mai, Quận Hà Đông
Lịch sử hình thành
Trước đây, Đồng Mai là một xã thuộc huyện Thanh Oai.
Ngày 1 tháng 4 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2006/NĐ-CP. Theo đó, chuyển toàn bộ diện tích và dân số của xã Đồng Mai về thị xã Hà Đông quản lý.
Ngày 27 tháng 12 năm 2006, xã Đồng Mai thuộc thành phố Hà Đông mới thành lập.
Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP. Theo đó, thành lập quận Hà Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của quận Hà Đông và thành lập phường Đồng Mai thuộc quận Hà Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Đồng Mai.
Sau khi thành lập, phường Đồng Mai có 634,19 ha diện tích tự nhiên, dân số là 13.639 người.
1. Giới thiệu về phường Đồng Mai
Đồng Mai là 1 phường của quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Phường nằm ở phía Tây Nam của quận Hà Đông có diện tích đất tự nhiên là 634,19 ha với 4.353 hộ, 16.211 nhân khẩu được phân bố trên 18 tổ dân phố, địa bàn phường chạy dọc theo dòng sông Đáy và đê Đáy với chiều dài hơn 4 km.
Phường có quốc lộ 6A chạy qua với 01 km rất thuận lợi cho việc giao thông, buôn bán. Trên địa bàn phường có nhiều các di tích lịch sử và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, gồm: 12 đình, 07 chùa, 03 nhà thờ họ Đạo Thiên chúa giáo.
Đồng Mai vừa có vùng bãi ven sông trồng hoa màu và cây công nghiệp, vừa có vùng đất trồng lúa. Thế mạnh của Đồng Mai là phát triển kinh tế nông nghiệp. Đất đai màu mỡ, chủ yếu là đồng vàn, lại gần đường giao thông, gần đô thị nên càng tạo cho Đồng Mai điều kiện để phát huy sức sản xuất của tiềm năng nông nghiệp.
2. Vị trí địa lý
Địa giới hành chính phường Đồng Mai:
- Phía Đông giáp phường Phú Lãm và xã Bích Hoà thuộc huyện Thanh Oai
- Phía Tây giáp phường Biên Giang
- Phía Nam giáp các huyện Thanh Oai và xã Thụy Hương thuộc huyện Chương Mỹ
- Phía Bắc giáp phường Yên Nghĩa.
Bản đồ phường Đồng Mai
3. Diện tích và dân số
Phường Đồng Mai có diện tích 6,34 km², dân số năm 2022 là 15.039 người, mật độ dân số đạt 2.151 người/km².
4. Kinh tế
Tháng 4-2019, tổng số dân của phường Đồng Mai là 16.275 người, mật độ trung bình là 2.527 người/km2 - mật độ thấp nhất trong quận.
Là địa bàn cận giang, cận lộ, gần thành thị, nhân dân Đồng Mai cư trú dọc theo tuyến sông Đáy và đường 6. Nguồn sống của nhân dân Đồng Mai khá đa dạng, không chỉ có nghề nông sản xuất ra lương thực, thực phẩm mà còn sinh sống bằng nhiều nghề khác như chế biến đường mật, ướp hoa quả, thêu ren, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, mua bán đồ phế thải. Trong 9 thôn cũng có những nét đặc trưng khác nhau về nguồn sống. Thôn Đồng Dương chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng. Các thôn Nhân Đạo, Nhân Huệ, Y Sơn trước đây có nghề thêu ren. Một số bà con ở Cổ Bản, Nhân Huệ khai thác và vận chuyển cát mang bán ở những nơi khác. Nghề kéo ép mía, chế biến đường mật rải rác thôn nào cũng có. Hoạt động buôn bán gia súc, trâu bò và các hàng tạp hóa cũng xuất hiện ở địa bàn Đồng Mai.
Từ năm 1954, Đồng Mai đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và khôi phục lại sản xuất, tập trung làm thủy lợi, đê kè. Công trình thủy lợi Trung thủy nông La Khê có giá trị trong việc cải tạo đồng ruộng, biến 1 vụ thành 2-3 vụ, đưa tiến bộ khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp toàn diện, đảm bảo đời sống của nhân dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ đất nước đổi mới, đặc biệt khi Đồng Mai trở thành một phường của quận Hà Đông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại - dịch vụ, giảm dần và giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp. Tổng thu ngân sách ngày càng tăng qua các năm.
5. Văn hóa - Xã hội
Văn hóa - xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực. Với 163 liệt sỹ, 85 thương bệnh binh, 25 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học…, trong những năm qua, phường đã thực hiện tốt các hoạt động “đền ớn đáp nghĩa”, tô thắm thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, hàng năm số hộ nghèo giảm rõ rệt, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và sinh con lần thứ 3 trở lên giảm, hàng năm đều phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, số người được giải quyết việc làm đều tăng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 80%. Công tác giáo dục từng bước được nâng lên, cả 4 trường (01 trường THCS, 02 trường tiểu học, 01 trường mầm non) đều đạt chuẩn quốc gia.
Hiện nay, Đảng bộ phường có 343 đảng viên đang sinh hoạt tại 25 chi bộ, tăng 96 đảng viên và 10 chi bộ so với thời điểm năm 2009, năm đầu tiên thành lập phường. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ phường luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hàng năm được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong chặng đường phát triển của những năm tiếp theo, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phường Đồng Mai sẽ khắc phục hiệu quả những khó khăn, hạn chế, không ngừng phấn đấu xây dựng phường ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần cùng với 16 phường bạn chung tay xây dựng quận Hà Đông phát triển bền vững.
6. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng
Ở phường Đồng Mai trong một năm tổ chức khá nhiều lễ hội, vừa nhằm tái diễn lịch sử, vừa để ghi nhớ công lao to lớn của những anh hùng dân tộc, hoặc người có công (Thành hoàng làng, tổ nghề... giúp dân trừ giặc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc). Việc tế lễ dâng cúng lễ vật (xôi, gà, hương hoa, bánh...) thể hiện lòng tôn kính, biết ơn tổ tiên và thành hoàng đã có công đối với dân làng. Thường lễ hội ở Đồng Mai gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ (lễ tế) diễn ra ở đình hay chùa, miếu hoặc quán. Tế gồm những nghi thức theo quy định của Nho giáo từ phẩm phục, hia, mũ đến việc tổ chức lễ tế thần (thành hoàng làng), thánh (Khổng Tử). Phần hội thường diễn ra sau phần tế lễ: bao gồm các hoạt động như văn nghệ, trò chơi dân gian, đua thuyền...
Về tôn giáo: đạo Phật chiếm đại đa số trong dân cư, ngoài ra có trên 30 hộ theo Đạo Thiên chúa. Dù là đạo Phật hay đạo Thiên chúa, nhân dân Đồng Mai cần cù, giản dị, đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Phường Đồng Mai thuộc vùng đất cổ, là địa bàn sinh tụ lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng dân tộc. Quá trình xây dựng quê hương, cư dân Mai Lĩnh, Đồng Dương, Đồng Hoàng từng chung lưng đấu cật đắp đê sông Hồng, sông Đáy ngăn lũ để khai khẩn đất hoang, xây dựng làng xóm, mở mang nền văn minh lúa nước. Các thôn ở Đồng Mai, nhân dân đều xây dựng nên những ngôi đình làng mà mỗi ngôi đình đều thể hiện bề dày truyền thống văn hóa của quê hương, làm phong phú thêm nghệ thuật kiến trúc cổ của dân tộc:
+ Đình Cổ Bản: thờ Ả Lã Nàng Đê, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, đình Y Sơn thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng,
+ Đình Phúc Mậu: thờ Trần triều Phó tướng Trần Khánh Dư.
+ Đình Chợ (còn gọi là Đình Thị): thờ Thái bảo Kỳ quốc công Lý Triện.
+ Đình Nhân Huệ: thờ bà Mộc Hoàn Vạn phúc phu nhân, một vị liệt nữ anh hùng có công lao giúp nghĩa quân Lam Sơn bắt gọn toán lính do thám của Tổng binh Vương Thông trên một chiếc thuyền nhỏ mà hàng ngày bà vẫn dùng chở người qua sông Đáy ở vùng Mai Lĩnh. Khi đạo quân của Tổng binh Vương Thông bắt Bà chở đò qua sông, Bà đã đục thuyền để dìm quân địch xuống dòng sông. Cả hai mẹ con bà đều bị giặc Minh giết chết. Công lao của Bà đã giúp Tướng quân Lý Triện, Đỗ Bí lập mưu “tương kế tựu kế” làm nên trận chiến lẫy lừng ở Tốt Động - Chúc Động. Từ đấy, người dân làng Nhân Huệ, xã Mai Lĩnh đời đời nhớ ơn và thờ cúng vị liệt nữ anh hùng có công cứu nước, giữ làng.
7. Dự án bất động sản
Khu đô thị Đồng Mai
- Tên dư án: Khu đô thị Đồng Mai
- Chủ đầu tư: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD3
- Vị trí: Phường Đồng Mai, Phú Lãm, Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
- Quy mô: Biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại cao tối đa 9 tầng
- Tổng diện tích: 226 ha
- Quy mô dân số dự kiến: 15.500 người
- Tổng vốn đầu tư dự kiến: 6000 tỷ
- Giá từ: 59.6 - 65 triệu/m².