Lịch sử

Huyện Sóc Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai huyện Đa Phúc và Kim Anh cùng với thị trấn Xuân Hòa thuộc tỉnh Vĩnh Phú (nay đã tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) theo Quyết định số 178/QĐ ngày 5 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ Việt Nam. Khi ấy huyện Sóc Sơn vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, gồm thị trấn Xuân Hòa và 29 xã: Bắc Phú, Bắc Sơn, Cao Minh, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Phúc Thắng, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, huyện Sóc Sơn được chuyển về Hà Nội. Hiện nay, Sóc Sơn là một trong 30 quận, huyện của thủ đô Hà Nội.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, chuyển thị trấn Xuân Hòa và 4 xã Ngọc Thanh, Cao Minh, Nam Viêm, Phúc Thắng về huyện Mê Linh quản lý (nay 5 đơn vị hành chính này thuộc thành phố Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc). Huyện Sóc Sơn còn lại 25 xã: Bắc Phú, Bắc Sơn, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.

Ngày 3 tháng 3 năm 1987, thành lập thị trấn Sóc Sơn, gồm 54 ha diện tích tự nhiên với 335 người của xã Phù Linh và 26 ha diện tích tự nhiên với 284 người của xã Tiên Dược. Như vậy, huyện Sóc Sơn có 1 thị trấn và 25 xã, giữ ổn định cho đến nay.

Trong lịch sử phong kiến, vùng đất Sóc Sơn ngày nay xưa là khu vực nằm giữa 2 cố đô xưa Phong Châu và Cổ Loa thuộc cương vực Hà Nội thời tiền Thăng Long, nổi tiếng bởi sự tích Thánh Gióng về trời tại núi Sóc. Sau thời kỳ bắc thuộc đến thời kỳ các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam, khu vực này 1 phần thuộc trấn, phủ Thái Nguyên. Đến thời Pháp thuộc, vùng đất này lại thuộc tỉnh Phù Lỗ, bao gồm cả Vĩnh Phúc ngày nay.

1. Giới thiệu về huyện Sóc Sơn

Huyện Sóc Sơn nằm tại vị trí phía Bắc của thành phố Hà Nội cách trung tâm khoảng hơn 30km. Nơi đây có sự hiện hữu của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đi cùng với đó là hệ thống giao thông đa dạng, hiện đại. 

2. Vị trí địa lý

  • Phía Đông tiếp giáp huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Yên Phong (Bắc Ninh)
  • Phía Tây tiếp giáp thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
  • Phía Nam tiếp giáp huyện Đông Anh và huyện Mê Linh 
  • Phía Bắc tiếp giáp thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Bản đồ hành chính huyện Sóc Sơn

Bản đồ hành chính huyện Sóc Sơn

Huyện có 01 Thị trấn Sóc Sơn và 25 xã gồm: Bắc Phú, Bắc Sơn, Đông Xuân, Đức Hòa, Hiền Ninh, Hồng Kỳ, Kim Lũ, Mai Đình, Minh Phú,  Minh Trí, Nam Sơn, Phú Cường, Phù Linh, Phù Lỗ, Phú Minh, Quang Tiến, Tân Dân, Tân Hưng, Tân Minh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Trung Giã, Việt Long, Xuân Giang, Xuân Thu.

3. Diện tích và dân số

Huyện Sóc Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 306,5 km², dân số khoảng 282.536 người. Mật độ dân số đạt là 922 người/km².

4. Đặc điểm tự nhiên

Địa hình

Địa hình có tính phân bậc khá rõ nét và thay đổi theo hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, có 3 loại địa hình chính: đồi núi, gò đồi thấp và đồng bằng.

  • Địa hình đồi núi: đây là đầu mút phía Đông Nam của dãy Tam Đảo, có độ cao tuyệt đối từ 50-462 m. Vùng này chiếm diện tích khoảng 104km2, phân bố chủ yếu ở các xã phía Bắc và Tây Bắc của huyện. Vùng đồi núi bao gồm 2 ngọn núi chính là núi Sóc và núi Hàm Lợn. Điểm cao nhất của huyện là đỉnh Hàm Lợn nằm trên núi Hàm Lợn, có độ cao tuyệt đối là 462 m; đây từng là điểm cao nhất của thành phố Hà Nội trước khi sáp nhập tỉnh Hà Tây (điểm cao nhất thành phố hiện nay là đỉnh Ba Vì).
  • Địa hình gò đồi thấp: có độ cao tuyệt đối từ 20 - 50m. Đây là vùng chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang địa hình đồng bằng nên phát triển mở rộng về các xã phía Bắc và Tây Bắc huyện. Đây là dạng địa hình chủ yếu, chiếm 86,2%tổng số vùng với diện tích khoảng 264,203km2.
  • Vùng đồng bằng: vùng này có độ cao tuyệt đối từ 6-20m. Đồng bằng phẳng, có xu hướng thấp dần về phía Nam, phân bố chủ yếu ở các xã ven sông Cầu và sông Cà Lồ.

Thủy văn

Bề mặt của Sóc Sơn được bao phủ bởi 3 con sông. Sông Công ở phía Bắc, sông Cà Lồ ở phía Nam và sông Cầu ở phía Đông Bắc. Các con sông tạo nên phần lớn ranh giới tự nhiên của huyện. Ngoài ra còn có các hệ thống ngòi lớn như ngòi Kim Anh và ngòi Lương Châu đều là các chi lưu cũ của sông Cà Lồ hiện đã bị chặn dòng.

Trên địa bàn huyện có nhiều hồ, hồ thủy lợi và đầm nhỏ, trong đó hồ Đồng Quan là hồ lớn nhất của huyện.

  • Sông Cà Lồ: sông Cà Lồ hay cò được gọi là sông Bình Lỗ, là phụ lưu cấp I, thứ lưu 24 của sông Cầu, bắt nguồn từ phía Tây Nam dãy Tam Đảo ở độ cao 1268m, chảy theo hướng Đông Nam và nhập vào sông Cầu tại Ngã Ba Xà, thuộc thôn Lương Phúc (Việt Long, Sóc Sơn). Tổng diện tích lưu vực là 881 km2. Chiều dài dòng chính của sông là 89km, đoạn chảy qua Sóc Sơn có chiều dài 28 km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Sóc Sơn với huyện Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) và huyện Yên Phúc (Bắc Ninh).
  • Sông Cầu: sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu, sông Nguyệt Đức hay mỹ danh dòng sông quan họ), là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Lưu vực sông Cầu là một trong năm con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam (Hồng, Đà, Lô, Cầu, Đáy) và cũng là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nằm trong lưu vực của nó.
  • Sông Công: sông Công dài 96 km, bắt nguồn từ vùng Đèo Khế, tỉnh Thái Nguyên, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Sau khi ra khỏi hồ Núi Cốc ở phía Tây thành phố Thái Nguyên, nó chia thành hai nhánh. Nhánh chính chảy qua trung tâm thành phố Sông Công, qua thành phố Phổ Yên để hội lưu với sông Cầu từ bên phải tại ranh giới ba xã, phường Thuận Thành (thành phố Phổ Yên), Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Nhánh phụ nhỏ hơn chảy qua phía Bắc thành phố Sông Công, huyện Phú Bình rồi chảy vào thành phố Phổ Yên để nối với sông Cầu tại ranh giới ba xã, phường Tân Phú, Thuận Thành (thành phố Phổ Yên), Đại Thành (huyện Hiệp Hòa).
  • Hồ Đồng Quan: hồ Đồng Quan nằm ở thung lũng phía nam núi Sóc, được bao bọc bởi nhiều đồi núi thấp có độ cao trung bình từ 50 m đến 300 m. Đập Đồng Quan bắt đầu được xây dựng vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, cung cấp nước phục vụ thủy lợi cho vùng trung tâm của huyện Sóc Sơn. Đập chính của hồ nằm ở phía nam, dài khoảng 750 m theo chiều Đông-Tây, là một phần của đường nối giữa tỉnh lộ 131 và tỉnh lộ 35.

Khí hậu

Khí hậu của Sóc Sơn mang đầy đủ những nét đặc trưng của khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng là nóng ẩm hoà trộn và chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng trung du bắc bộ. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 28o-29oC, chế độ mưa gắn liền với sự thay đổi theo mùa và đạt mức bình quân hàng năm khoảng 1.676 mm, mùa mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10. Do địa hình phức tạp và sự khác biệt về chế độ mưa nên thuỷ lợi là yếu tố hết sức quan trọng và thực sự là biện pháp hàng đầu tác động mạnh đến kết quả sản xuất nông nghiệp của Huyện.

Sóc Sơn là địa phương duy nhất của Thủ đô có rừng với 6.630 ha có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, phát triển các loại hình kinh tế trang trại. Sóc Sơn cũng có nhiều hồ đập vừa có khả năng trữ nước tưới cho cây trồng vừa có khả năng phát triển du lịch, sét cao lanh có trữ lượng lớn tại các xã Quang Tiến, Tiên Dược, Minh Phú, Phù Linh. Ngoài ra còn có cát vàng, sỏi tạo điều kiện thuận lợi phát triển nghề gốm sứ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

5. Kinh tế 

Hiện nay, huyện Sóc Sơn đang phấn đấu để xây dựng huyện trở thành một vùng phát triển của thủ đô.

Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện phát triển tương đối ổn định, tăng đều ở mức 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự thay đổi rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ. Thu hút đầu tư trên địa bàn tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội năm 2007 đạt 1835 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm bao gồm: dự án triển khai khu công nghiệp tập trung Nội Bài 388 ha, dự án khu công nghiệp vừa và nhỏ Mai Đình 50 ha, dự án phát triển khu du lịch đền Sóc Sơn 274,5 ha, dự án làng du lịch sinh thái Đình Phú xã Minh Phú hơn 400 ha, dự án sân gôn và khu vui chơi giải trí Minh Trí, dự án phát triển khu đông bắc huyện, xây dựng trường trung học dạy nghề đa ngành, 2 trường THPT và Phòng khám đa khoa khu vực.

Nông nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị trên một hecta đất canh tác đạt gần 40 triệu đồng. Diện tích rừng trồng từ 234 ha trước năm 1980 đã nâng lên trên 6.000 ha, cơ bản phủ kín đất trống, đồi núi trọc, có giá trị về sinh thái và phục vụ du lịch - dịch vụ.

6. Y tế

Tuyến huyện có 1 Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa với 160 giường bệnh, 5 phòng khám đa khoa khu vực. Tuyến cơ sở có 26 trạm y tế xã.

Các cơ sở y tế quan trọng như: Trạm y tế của Công ty CP Thủy lợi 2, Trại Phong của Thành phố, Dịch vụ khám chữa bệnh của Sư đoàn 312, Trạm y tế Sư đoàn 371, Phòng y tế sân bay Nội Bài. Ngoài ra còn có 3 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám y học cổ truyền và nhiều phòng khám chuyên khoa, nhà thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

7. Giáo dục

Trên địa bàn huyện có 1 trường đại học, 1 trường dạy nghề đào tạo lao động kỹ thuật cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra còn có Trường Công nhân kỹ thuật điện đào tạo được hàng trăm học viên mỗi năm. Đặc biệt, trong Quy hoạch hình thành đô thị vệ tinh Sóc Sơn có nội dung về Khu đại học với quy mô khoảng 600 ha và Tổ hợp y tế chất lượng cao với quy mô khoảng 100 ha. Riêng tại xã Đức Hòa, đến nay UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận địa điểm để một số đơn vị nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo như cơ sở 2 của các trường Đại học Tài nguyên Môi trường, Đại học Luật Hà Nội; trụ sở làm việc, viện nghiên cứu đào tạo trường Đại học Đông Đô.

8. Hạ tầng, Giao thông

Huyện Sóc Sơn là đầu mối của nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… và với các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên… thông qua quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18; đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Tổng chiều dài các tuyến đường bộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 227km, mật độ bình quân đạt 0,86km/km2. Trong đó:

Các tuyến quốc lộ:

  • Quốc lộ 3 chạy qua địa bàn Sóc Sơn theo hướng Bắc Nam với chiều dài khoảng 17km, đạt tiêu chuẩn cấp III, mặt đường rộng 8-10m kết cấu bê tông nhựa, hiện đang được nâng cấp. Đây là trục giao thông quan trọng, nối Hà Nội đi Cao Bằng và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
  • Quốc lộ 2 đoạn chạy qua địa bàn huyện dài 13km từ Phù Lỗ đến cầu Minh Phương, gồm 3 đoạn: đoạn từ ngã ba Phù Lỗ đến lối vào sân bay Nội Bài có mặt đường rộng 9-10m, kết cấu bê tông nhựa; đoạn từ lối vào phía Đông sân bay Nội Bài đến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài chiều dài khoảng 3km; đoạn từ cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài đến cầu Minh Phương dài 4km.
  • Quốc lộ 18 nối từ sân bay Nội Bài với thành phố Hạ Long, đoạn chạy qua địa bàn huyện dài khoảng 15km, kết cấu bê tông nhựa đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
  • Tuyến cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài có tổng chiều dài chạy trên địa bàn huyện khoảng 5km, mặt rộng 23m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (120km/h) với 4 làn xe và 2 dải xe thô sơ.
  • Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được triển khai.
  • Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được đầu tư xây dựng.

Các tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài hơn 41km, gồm TL 35, TL 16, TL 131 phần lớn có kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tuy nhiên hiện đang dần xuống cấp.

  • Đường tỉnh 35 có chiều dài 17km, mặt đường rộng 5,5m, nối từ quốc lộ 2 tại Thanh Xuân sang quốc lộ 3 tại phố Nỉ. Đây là trục giao thông quan trọng với các xã phía Tây của huyện.
  • Đường tỉnh 131 dài 17km, mặt đường rộng 6-7m, nối từ quốc lộ 2 tại Thạch Lỗi đến Xuân Giang.
  • Đường tỉnh 16 dài 8km, mặt đường rộng 5m từ Phù Lỗ đi Bắc Ninh, qua các xã Đông Xuân, Xuân Thu, Kim Lũ.

Huyện Sóc Sơn còn có khoảng 30 tuyến đường liên xã, đường đô thị với tổng chiều dài 170km, nền rộng 5-6m, trong đó nhiều tuyến đã được nhựa và bê tông hóa.

Hai bến xe khách trên địa bàn huyện gồm bến xe Phù Lỗ quy mô 23x90m và bến xe tại phố Nỉ quy mô 20x45m. Ngoài ra còn có nhiều bến phục vụ hoạt động của các tuyến buýt trên quốc lộ 2, quốc lộ 3 và đường 131.

Về giao thông đường sắt, tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên đi qua các xã phía Đông của huyện với chiều dài 16km, dừng tại 2 ga Nỉ và ga Đa Phúc, quy mô trung bình 50-60 người/ngày. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này hiện đã tạm dừng hoạt động do hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Về giao thông đường hàng không, sân bay Nội Bài thuộc địa phận xã Phú Minh là sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc với diện tích khu vực sân 325,5 ha, lưu lượng khoảng trên 1 triệu lượt khách/năm và 16 nghìn tấn hàng hóa.

Về giao thông đường thủy, huyện có 3 tuyến giao thông đường thủy quan trọng là sông Cà Lồ, sông Công và sông Cầu nhưng khả năng khai thác còn hạn chế.

Các dự án đường sắt đô thị (dự kiến) đi qua địa bàn huyện Sóc Sơn là tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đình) và tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi).

Có thể thấy, hệ thống giao thông của huyện Sóc Sơn khá đa dạng và đã được chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Để đạt mục tiêu đô thị vệ tinh của Hà Nội, những năm gần đây, Sóc Sơn đã đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông. Tiêu biểu như tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối đến khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn hay các tuyến cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long và Hà Nội – Thái Nguyên đi qua Sóc Sơn cũng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Ngoài ra còn có một số dự án giao thông đang và sắp được triển khai như dự án nâng cấp tuyến đường 35 đoạn giữa tuyến, đường vào khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ…

9. Làng nghề

Sóc Sơn là một huyện thuần nông phía bắc thành phố Hà Nội. Các làng nghề, ngành nghề, việc làm tại Sóc Sơn đại đa số liên quan nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Khu vực phía Bắc trung tâm Hà Nội xét về mức độ đa dạng cũng như số lượng các làng nghề thủ công, làng nghề mới, làng có nghề thường ít hơn khu vực phía đông, nam và phía tây của Hà Nội (như huyện phía nam Vĩnh Phúc, huyện phía đông trở sang phía nam và tây của Hà Nội, một số huyện của Bắc Ninh, Hưng Yên). Hiện nay Sở công thương Thành phố cũng rất quan tâm, khuyến khích và duy trì các làng nghề, phát triển ngành nghề mới tại các địa phương nhằm tạo thêm công việc, tăng thu nhập cho người dân. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là động lực phát triển của một vùng hiện nay đã hạn chế quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để nhường cho các khu vực các tỉnh, vùng lân cận tiếp cận được với công nghiệp tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho các tỉnh thành lân cận nhằm cân bằng dần thu nhập giữa các địa phương. Trong hoàn cảnh đó thì vai trò của các làng nghề, và phát triển ngành nghề mới là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế một đơn vị rất rộng của thủ đô nhưng chưa có được nhiều làng nghề, nghề như ở Sóc Sơn:

  • Mây tre đan và mộc Xuân Dương
  • Tre trúc Thu Thủy
  • Làng nghề mộc, xây dựng Lai Cách
  • Giặt bao tải và sơ chế Dược Hạ
  • Làng nghề mây tre đan Điệu Tân
  • Trồng hoa nhài Phủ Lỗ
  • Trồng ngô, bán ngô bắp luộc, bắp non.

10. Du lịch

Việt Phủ Thành Chương

Bao quanh bởi các ao sen, những cây đa cây đề tỏa bóng xanh mát, Việt Phủ Thành Chương là một trong những điểm đến đậm chất văn hóa nhất ở Việt Nam. Nằm trên ngọn đồi tựa lưng vào một nhánh của núi Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, ngoại ô Hà Nội, Việt Phủ là nơi kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam thông qua các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa...

Là một phần của dự án bảo tồn, rất nhiều di tích, di vật cổ tìm thấy ở khắp Việt Nam của các dân tộc khác nhau đều được thu thập về Việt Phủ, trưng bày tại khu nhà cổ và cây cầu đá 500 năm tuổi. Nơi này mở cửa từ 9h đến 17h hàng ngày, vé tham quan 130.000 đồng một lượt.

Hồ Đồng Đò

Hồ nước này tọa lạc ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Trước đây hồ là suối nhỏ, đến năm 2000 nơi này biến thành hồ chứa nước sau khi đập Đồng Đò được xây xong. Hiện hồ nằm giữa thung lũng, hai bên núi cao có rừng phòng hộ.

Bạn có thể mang lều trại và đồ ăn để tự chế biến, vừa thưởng thức bữa ăn vừa ngắm cảnh hồ thanh bình. Nhóm đông người có thể thuê thêm lều trại, hoặc nghỉ tại homestay, khách sạn, biệt thự để tổ chức vui chơi, tiệc nướng ngoài trời. Chi phí thuê điểm cắm trại là 25.000 đồng/người trong ngày, 50.000 đồng/người qua đêm, bao gồm phí dọn dẹp, điện, nước và khu vực vệ sinh. Ngoài ra, bạn có thể thuê cần câu cá, thuyền phao, kayak, SUP... hoặc đơn giản hơn là đạp xe, chạy bộ quanh khu vực hồ.

Hồ Đồng Quan

Nằm ngay gần Đền Gióng, khu sinh thái hồ Đồng Quan thích hợp cho bạn khám phá, leo đồi, cắm trại, nướng đồ ăn... Điểm cắm trại dân dã ở đây là My Hill. Vé vào cổng 40.000 đồng một người, qua đêm là 60.000 đồng, có nhiều gói dịch vụ cung cấp lều bạt, bếp nướng, đồ ăn...

Nếu nhóm đi dưới 15 người, các bạn có thể dựng lều tại chòi bên hồ, đêm xuống có thể mở tiệc BBQ, hàn huyên bên đống lửa. Nếu đông hơn, khoảng 15-25 người, bạn có thể dựng lều bên hồ hoặc trong rừng tùy thích. Khu nghỉ còn có homestay, khu vui chơi cho trẻ em…

Núi Hàm Lợn

Với hồ nước xanh thẳm giữa núi rừng, Hàm Lợn cao 426 m được ví như Đà Lạt của Hà Nội, khá thích hợp cho những ai thích trekking, hay đơn giản là đi bộ thư giãn với thiên nhiên. Nếu không leo núi, bạn có thể nghỉ dưới chân núi, nơi có hồ Núi Bàu giữa những đồi thông. Không gian này khá hoang sơ, thích hợp để cắm trại.

Ở đây có hộ dân cho thuê đầy đủ lều trại, bếp nướng, bán củi khô, đồ ăn. Giá thuê lều trong 24 tiếng từ 100.000 đồng đến 320.000 đồng, tương ứng với lều 2-16 người. Bàn ghế, chăn, bếp... có giá thuê từ 30.000 đồng.

Có hai con đường lên đỉnh núi. Đường thứ nhất là đường mòn an toàn, ít bụi rậm và thời gian chinh phục chưa đầy hai tiếng. Con đường thứ hai nhiều thử thách, băng qua những đoạn đường dốc, vượt qua bụi rậm... trong 3 đến 4 tiếng. Cung này thích hợp nhất vào mùa khô. Hãy chuẩn bị giầy ma sát tốt.

Bản Rõm

Bản Rõm ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, trên trục đường cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Bản Rõm nằm trong một khu nghỉ dưỡng sinh thái bao quanh là rừng thông lớn với nhiều hoạt động ngoài trời cho mọi lứa tuổi. Đến Bản Rõm bạn được hít thở không khí trong lành, ngắm rừng thông reo và tham gia các trò chơi dân gian, leo núi, săn bắn, làm nông dân...

Giá vé vào cổng là 50.000 đồng/người (gồm phí vệ sinh, an ninh, làm bánh), lều trại hoặc chòi 4-6 người nghỉ có giá từ 150.000 đồng/chiếc nếu sử dụng trong ngày, nếu qua đêm tính phụ phí 100.000 đồng. Đồ ăn bạn có thể tự đem theo để nấu tại chỗ hoặc đặt cơm ngay trong khu nghỉ.

Hồ Chòm Núi

Hồ Chòm Núi còn có tên là hồ Hoa Sơn, đẹp nhất từ tháng 9 đến tháng 11. Từ nội thành Hà Nội đến hồ khoảng một tiếng, du khách chỉ cần đi theo ứng dụng Google Maps. Bạn có thể vui chơi, cắm trại miễn phí ven hồ. Nhà dân cách hồ khoảng một km, với nhiều cửa hàng tạp hóa. Du khách lưu ý mang theo quần áo, chăn ấm vì ban đêm khá lạnh. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần ngắt kết nối để hòa vào thiên nhiên, vì sóng điện thoại ở khu vực này rất kém.

Đền Gióng

Đền thờ Thánh Gióng một vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân sang xâm lược nước Văn Lang vào đời vua Hùng Vương thứ sáu. sau khi đánh đuổi quân xâm lược ông đã phi ngựa đến chân núi Sóc Sơn, ghìm cương, cởi giáp và nón treo lên một cành cây, rồi quay chào bốn phía quê hương. Cả người lẫn ngựa từ từ bay thẳng lên trời, từ bấy đến giờ không còn thấy trở về dân gian. Từ đó hàng năm người dân tổ chức hội đền Sóc Sơn vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch. Hiện nay, trên đỉnh núi Đá Chồng, Thành phố Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Tượng đài Thành Gióng bằng đồng cao hơn 10 m, nặng gần 80 tấn. 

Chùa Non Nước

Chùa Non (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc ở độ cao hơn 110 m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử ký toàn thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa này tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Đó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Đinh - Lê - Lý). Chùa Non Nước đã được xây dựng lại, trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội. Pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối nặng 30 tấn, cao 6,50 m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m được khởi công ngày 8-4 Tân Tỵ (2001) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non.

11. Món ăn

Gà Đồi Sóc Sơn

Gà tại khu vực Sóc Sơn là loại thả rông, tự kiếm ăn nên vị thịt rất dai chắc, thơm và ngọt. Đảm bảo thịt gà Sóc Sơn sẽ mang đến trải nghiệm khách biệt cho du khách khi thưởng thức, khác xa so với các loại gà trên thị trường.

Do phần thịt gà đã quá tuyệt vời, gà đồi Sóc Sơn có thể chế biến theo nhiều cách mà vẫn đảm bảo độ ngon như là luộc, nấu lẩu hay nướng,... Thực khách có thể lựa chọn cách chế biến. Một số cách chế biến gà đồi Sóc Trăng ngon nhất chính là: Gà rang muối, súp ngô gà, gà om nước dừa,...

Ngoài ra, du khách cũng có thể mua gà về để tự chế biến hay làm quà. Gà tại Sóc Sơn sẽ có giá khá cao, nếu mua hay thưởng thức trực tiếp tại đây thì sẽ có giá tiết kiệm hơn rất nhiều. Gà đồi chắc chắn là món ăn đặc sản Sóc Sơn đáng để thưởng thức nhất khi đến đây!

Bánh đúc sốt xanh

Bánh đúc sốt xanh là một món ăn dân dã tại vùng Sóc Sơn, bánh dùng nguyên liệu bột gạo tẻ nấu cùng nước vôi trong, thêm vào mỡ phi với hành để tạo mùi thơm. Bánh đúc sốt xanh là nét văn hoá lâu đời tại nhiều tỉnh phía Bắc, dù hiện đã có nhiều món ăn mới xuất hiện thế nhưng bánh đúc vẫn luôn tồn tại trong đời sống của nhiều gia đình địa phương tại Sóc Sơn.

Nhìn vào món bánh đúc Sóc Sơn, ta sẽ thấy một màu xanh đặc trưng từ rau ngót và cãi. Hương vị bánh đúc có sự ngọt thanh, bánh mềm nhưng không ngấy. Dù là món ăn dân dã đậm bạc nhưng món bánh này vẫn được nhiều du khách cả trong lẫn ngoài nước lựa chọn khi ghé thăm. Với món bánh đúc sốt xanh, thực khách có thể sẽ phải tìm đến các khu chợ quê ở Sóc Sơn để thưởng thức. 

Cá kho Hồ Đồng Quan

Đây là một trong những món ăn được cấp cả Giấy chứng nhận từ Cục sở hữu trí tuệ thương hiệu Việt Nam. Món cá kho Hồ Đông Quan đặc biệt có cách chế biến khá phức tạp và kỳ công. Phần nguyên liệu đầu vào luôn được tuyển chọn rất tỉ mỉ, sau đó chế biến theo công thức gia truyền vô cùng công phu để cho ra các phần cá kho với hương vị tuyệt phẩm.

Thực khách khi thưởng thức một niêu cá kho Hồ Đông Quan sẽ cảm nhận ngay được mùi vị đậm đà, hương vị truyền thống đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đây cũng chính là đặc sản Sóc Sơn nổi tiếng nhất hiện nay, mỗi du khách khi ghé thăm nên dành thời gian thưởng thức một lần món cá trứ danh này.

12. Phát triển đô thị

Huyện Sóc Sơn có đô thị duy nhất là thị trấn Sóc Sơn với quy mô 81,9 ha. Đô thị này có vị trí khác đặc biệt khi nằm ngay trung tâm của huyện. Đô thị có sự phát triển lan tỏa theo các trục lộ, các đầu mối giao thông. Cụ thể, đô thị trung tâm phát triển mạnh theo hai hướng dọc quốc lộ 3 sang đất của xã Phù Linh và xã Tiên Dược, dọc theo trục đường tỉnh 131 sang đất của xã Tiên Dược.

Trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số khu vực có hình thái tiềm năng phát triển đô thị như ngã ba Thạch Lỗi, ngã ba Phù Lỗ, phố Nỉ… Trong vài năm trở lại đây, diện mạo Sóc Sơn đã có nhiều khởi sắc, hệ thống giao thông đô thị được cải thiện, mật độ giao thông phân bố tương đối đồng đều, liên hoàn và chất lượng. Nhiều công trình xây dựng cơ bản như các công trình phục vụ phúc lợi xã hội, trụ sở làm việc của cá cơ quan đã được cải tạo và xây dựng mới. Hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, mạng lưới thông tin, dịch vụ ngân hàng, du lịch, thương mại, phát thanh… có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trong khu vực thị trấn Sóc Sơn, nhà ở được xây dựng theo nhiều loại kiến trúc khác nhau, nhưng đa phần là nhà cấp 4 đã cũ, nhà tập thể xây dựng từ năm 1995, nhà mặt phố thường xây cao 2 tầng gắn với cửa hàng. Ngoài ra còn tồn tại nhà kiểu nông thôn như nhà 1 tầng mái ngói ở các khu vực chưa phát triển. Hệ số tầng bình quân mới chỉ đạt khoảng 1,5 tầng, bình quân đất ở đô thị là 320m2/hộ, tuy nhiên ở các khu vực nhà ở tập thể và nhà phố dọc theo trục lộ thì tỷ lệ này là 100m2/hộ.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với tính chất là đô thị phát triển về công nghiệp, dịch vụ hàng không và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

13. Thị trường bất động sản huyện Sóc Sơn

Sóc Sơn sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng bứt phá, đặc biệt là quỹ đất rộng lớn với địa hình phong phú, từ đồng bằng cho đến đồi núi. Ngoài các dự án quy mô lớn đang và sẽ được triển khai như dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, trường quay ngoài trời, khu công nghiệp Sạch,… Sóc Sơn còn có đất đai rộng lớn với địa hình phong phú, từ đồng bằng cho đến đồi núi. Việc kiếm một mảnh đất rộng vài héc ta ở Sóc Sơn khá dễ dàng. Chưa kể, với tổng diện tích khoảng 31.000 ha, trong đó mật độ dân số có 908 người/km2, chỉ bằng 1/35 quận Đống Đa.

Với tiềm năng sẵn có, vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Sóc Sơn đang có những bước tiến mạnh mẽ, giá đất cũng ngày một tăng và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. Loại hình bất động sản huyện Sóc Sơn hiện đang được giao dịch rầm rộ nhất là đất thổ cư, đất nền giá rẻ. Đặc biệt, từ khi có thông tin dự án tuyến đường vành đai 4 và dự án khu công nghiệp Sạch được đẩy mạnh triển khai, giá đất Sóc Sơn hà Nội đã được đẩy giá lên cao đáng kể.

14. Dự án bất động sản 

Khu công nghiệp Nội Bài

  • Tên dự án: Khu công nghiệp Nội Bài
  • Địa chỉ: Huyện Sóc Sơn - Hà Nội
  • Chủ đầu tư: Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Udic
  • Diện tích dự án: 100 ha
  • Giá từ: 6.5 - 49.3 triệu/m².